Đông Nam Á và châu Phi là những thị trường nhập khẩu máy nông nghiệp tiềm năng

Theo Liên đoàn các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp Ý (FederUnacoma), trong vài năm tới, các nước Đông Nam Á và Châu Phi, bao gồm cả Việt Nam, sẽ là thị trường tiềm năng của sản phẩm máy móc nông nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ doanh nghiệp Italy trong thời gian diễn ra triển lãm máy móc nông nghiệp quốc tế EIMA 2024 tại Bologna, Italy.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ doanh nghiệp Italy trong thời gian diễn ra triển lãm máy móc nông nghiệp quốc tế EIMA 2024 tại Bologna, Italy.

Thị trường máy móc và công nghệ nông nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể trong tương lai gần. Các thị trường chính ở Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ duy trì mức đầu tư cao vào máy nông nghiệp để đảm bảo các tiêu chuẩn cao trong sản xuất nông nghiệp.

Các thị trường mới nổi sẽ là các nước Đông Nam Á và Châu Phi. Trong khi đó, hai gã khổng lồ Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ ổn định tỷ lệ cơ giới hóa của họ với số lượng nhập khẩu lớn trong những năm gần đây.

FederUnacoma cho biết họ đã tổ chức EIMA 2024, một triển lãm máy móc nông nghiệp quốc tế thường tại Italy, để mang đến cho doanh nghiệp các nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á và Châu Phi, nhiều cơ hội gặp gỡ đối tác từ các nước sản xuất máy móc nông nghiệp tiên tiến như Italy.

Triển lãm năm nay đã diễn ra từ ngày 6 - 10/11 đã thu hút sự tham gia của hơn 700 công ty từ 50 nước trên thế giới trưng bày máy móc và công nghệ phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và bảo dưỡng cây xanh tại trung tâm triển lãm Bologna.

EIMA 2024 còn có nhiều chương trình chuyên đề về linh kiện, kỹ thuật số, năng lượng, công nghệ xanh và công nghệ xử lý nước với mục tiêu tăng năng suất nông nghiệp đồng thời giảm đáng kể tác động đến môi trường.

Một đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Cơ quan Thương mại Italy tại Việt Nam tổ chức đã tham dự EIMA 2024 với hy vọng tìm được đối tác cung cấp máy móc và công nghệ tiên tiến để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam.

Đây là lần thứ mười các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm máy móc nông nghiệp quốc tế này.

Nhu cầu về máy nông nghiệp chắc chắn sẽ tăng đáng kể ở những khu vực có sự phát triển mạnh ngành nông nghiệp do dân số tăng - do đó, họ cần nhiều thiết bị công nghệ hơn so với những thiết bị hiện đang sử dụng, Mariateresa Maschio, Chủ tịch FederUnacoma cho biết.

Indonesia ở khu vực Đông Nam Á hiện có gần 300 triệu dân trở thành một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, và nước này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng thêm số nhân khẩu trong những năm tới.

Nhập khẩu máy nông nghiệp của Indonesia đã tăng đều đặn trong 15 năm qua, từ giá trị 140 triệu euro năm 2009 lên gần 700 triệu euro năm 2023 với mức tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm. Các chuyên gia dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2024 - 2027, với tốc độ tăng trưởng dự kiến khoảng 6,7% mỗi năm.

Một gian hàng tại EIMA 2024.

Một gian hàng tại EIMA 2024.

Nhập khẩu máy móc nông nghiệp cũng đang tăng ở các quốc gia Đông Nam Á đông dân khác, trong đó có Việt Nam nơi hiện có khoảng 100 triệu dân. Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhập khẩu máy nông nghiệp 6,2% mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2027.

Phó Tổng giám đốc FederUnacoma Fabio Ricci cho biết, vào năm 2015, FederUnacoma và Cơ quan Thương mại Ý đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp Italy đến TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Các công ty Italy thực sự không có công nghệ phù hợp để sản xuất lúa gạo, vì Việt Nam có nhiều loại ruộng lúa khác nhau. Nhưng "cơ hội dành cho ngành máy móc nông nghiệp của Italy chính là sản xuất trái cây và rau quả của Việt Nam", ông cho biết.

"Sản xuất trái cây và rau quả ở Cần Thơ rất phát triển. Trong chuyến thăm đó, chúng tôi đã có một số cuộc thảo luận để thành lập một trung tâm công nghệ nông nghiệp tại Cần Thơ. Thật không may, đại dịch toàn cầu đã xảy ra đã khiến cho việc thành lập trung tâm này bị dừng lại", ông cho biết.

"Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm này đã bắt đầu khởi động lại sau chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền Lương thực và Lâm nghiệp Italy", Chủ tịch FederUnacoma cho biết.

Ông Lê Hồng Giang, Giám đốc Công ty TNHH GALAN - một công ty chuyên kinh doanh máy móc, thiết bị và phụ tùng, cho biết đến EIMA 2024, ông sẽ gặp gỡ các đối tác cũ và cũng tìm kiếm các đối tác mới trong số các nhà sản xuất máy móc của Italy tại triển lãm. Ngoài ra, ông cũng tìm kiếm các loại máy móc có thể phù hợp với khách hàng Việt Nam về chất lượng và giá cả.

"Các công ty Italy đã phân phối sản phẩm của họ vào Việt Nam thông qua nhiều kênh, nhưng hiện họ mong muốn thành lập các đại lý bán hàng tại Việt Nam", Giang cho biết. "Trên thế giới, máy móc nông nghiệp của Italy đang dẫn đầu về chất lượng".

Ông Giang cho biết EIMA cũng là cơ hội để ông tìm hiểu về các xu hướng nông nghiệp toàn cầu có thể đưa về và sử dụng tại Việt Nam.

TTC AgriS, mã cổ phiếu SBT, một nhà cung cấp các giải pháp nông nghiệp công nghệ cao đến từ Việt Nam, cũng tham dự EIMA 2024 với mục tiêu mở rộng hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị hàng đầu tại Italy để cung cấp các giải pháp nông nghiệp thông minh thiết thực cho nông dân/doanh nông Việt Nam.

Trong khi đó, theo FederUnacoma, Philippines (110 triệu dân) cũng có khả năng sẽ tăng lượng nhập khẩu máy móc nông nghiệp thêm 7,8% trong 4 năm tới.

Riêng Thái Lan (71 triệu dân) dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhập khẩu máy nông nghiệp hàng năm là 6,8% từ nay đến năm 2027, sau khi tăng trưởng rất chậm trong 15 năm qua - chỉ ở mức trung bình 1% mỗi năm.

Tăng trưởng dân số - yếu tố khiến cho nhu cầu về công nghệ nông nghiệp ngày càng tăng - cũng sẽ khiến cho nhập khẩu máy móc nông nghiệp tăng mạnh ở Châu Phi, trước tiên là Nigeria, Ethiopia và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nigeria, quốc gia hiện có 230 triệu dân, sẽ có hơn 400 triệu dân vào năm 2050 trở thành quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới, tiếp theo là Ethiopia và Cộng hòa Dân chủ Congo, cả hai đều có hơn 100 triệu dân.

Ở Nigeria, chỉ có 46% đất canh tác hiện được sử dụng cho ngành nông nghiệp và ở Cộng hòa Dân chủ Congo, tỷ lệ này chỉ có 10%. Do đó, việc đưa các vùng đất mới vào sản xuất là ưu tiên đối với các quốc gia này và nhiều quốc gia khác trên lục địa châu Phi với nhu cầu về công nghệ tăng lên trong tương lai gần và thậm chí còn tăng hơn nữa trong hai mươi năm tới.

Từ nay đến năm 2027, việc nhập khẩu máy móc nông nghiệp có thể sẽ tăng 7% mỗi năm ở Ethiopia và 12% ở Congo.

Hoàng Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-nam-a-va-chau-phi-la-nhung-thi-truong-nhap-khau-may-nong-nghiep-tiem-nang-20241113170615076.htm