Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít
Theo nhiều bạn đọc, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (như cũ), như vậy, sẽ tạo cơ hội cho người trẻ, giảm thiểu số lượng người nhiều tuổi để thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH 1 lần.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu ra 2 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH 1 lần. Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Xung quanh 2 phương án này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Bạn đọc Công Thành bày tỏ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã mở trang mục này. Tại sao cứ loay hoay vấn đề đóng bao nhiêu năm và phải đủ tuổi 62 mới được nhận lương hưu. Người lao động đã đóng đủ năm mà phải chờ 15-22 năm sau mới được nhận lương BHXH thì không thấy các vị nói đến "Họ sẽ sống bằng gì? Đau ốm tiền đâu mua thuốc" vì họ không có việc làm, mất việc hay nghỉ khi chưa đến 50 do không ai cần họ".
Theo bạn đọc Lê Thái Sơn, khi áp dụng 15 năm thì họ sẽ rút khi đủ 14 năm. Người lao động trong các DN FDI họ đủ hiểu biết khi cán mốc tuổi 45-50 là trước sau họ cũng sẽ bị nghỉ việc. DN không cần cho nghỉ thì người lao động khi ấy cũng bệnh tật nhiều, không làm gì được thì cũng phải nghỉ. Người lao động hiện tại là lứa tuổi sau 7-8X chiếm số đông. Nếu cứ tiếp tục làm khó dễ họ. thì sau này lứa tuổi 2K họ sẽ tìm cách làm 14 năm họ sẽ rút một lần. Rồi lại đóng tiếp 14 năm là rút tiếp. Khi ấy họ 48-50 tuổi. Đóng tiếp hay không là họ sẽ tính toán".
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Chói, tuổi nghỉ hưu ở nam là 57, nữ 55 là vừa vì hiện nay, lực lượng trẻ rất dồi dào cả về năng lực, kiến thức, trình độ … tuổi mà chúng ta cần để đáp ứng ngày càng cao cho nhu cầu phát triển xã hội, đất nước. "Phải nhìn vào thực tế nhu cầu cuộc sống và sự phát triển của đất nước chung ta. Riêng BHXH thì ai đóng nhiều hưởng nhiều, ai đóng it hưởng ít" – bạn đọc này bày tỏ. Theo bạn đọc Nguyễn Quyết, tuổi nghỉ hưu hiện nay chỉ phù hợp với công chức, viên chức. Các nghề công việc nặng nhọc độc hại đến trên 45 tuổi là hầu như không tham gia lao động trực tiếp được nên họ buộc phải xin về hưu trước tuổi.
Theo một bạn đọc tên Phong, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (như cũ); như vậy, sẽ tạo cơ hội cho người trẻ, giảm thiểu số lượng người nhiều tuổi để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Mức hưởng BHXH sẽ tính theo số năm đóng. Cùng góc nhìn, bạn đọc Lê Văn Đạo góp ý: "Giảm tuổi nghỉ hưu xuống (đối với nam) là 57 tuổi, (đối với nữ) là 55 tuổi. Đóng bảo hiểm dưới 20 năm (nếu có nguyện vọng) thì cho đóng tự nguyện để chờ hưu, hoặc cho rút một lần (tùy vào hoàn cảnh của mỗi người. Vì tiền đóng bảo hiểm là tiền lương của người lao động phải trích ra và người sử dụng lao động trích ra để họ đóng cho công nhân. Không nên giữ lại của người lao động, vì họ đến bước đường cùng mới phải rút một lần". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Bá Thành cũng cho rằng giảm tuổi nghỉ hưu là hợp lý. "Bộ LĐ-TB-XH và cơ quan BHXH cần cân nhắc đến đời sống của người lao động. Không nên vòng vo dẫn tới việc rút BHXH ngày càng nhiều" – bạn đọc này nói.
Theo một bạn đọc Nguyễn Thị Lâm Oanh, cứ đóng đủ 25 năm BHXH đủ 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam là được hưởng 75% lương hưu như trước đây là phù hợp nhất với tất cả mọi người, như vậy mới hạn chế được rút BHXH một lần. Với bạn đọc Đoàn Hải Phượng, chỉ có cách duy nhất là giảm tuổi nghỉ hưu về mức nam 60, nữ 55 thì người lao động mới có cơ hội được nghỉ hưu hưởng lương. Còn tuổi nghỉ hưu ở mức như hiện nay thì người lao động sẽ rút BHXH 1 lần vì rất ít có cơ hội hưởng lương hưu. "Điều mong muốn nhất của người lao động là giảm tuổi nghỉ hưu chứ không phải là giảm năm đóng BHXH" – bạn đọc này chia sẻ.
Theo nhiều bạn đọc, không nên quy định tuổi nghỉ hưu. Mà căn cứ vào thời gian đóng BHXH. Cứ theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Chỉ nên quy định mức tối thiểu phải đóng BHXH là bao nhiêu thì được nghỉ hưu mà thôi. Còn cứ quy định tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì thử hỏi được bao nhiêu người làm ở các công ty doanh nghiệp hưởng được chế độ hưu trí? Bạn đọc Công Thành bày tỏ: "Giảm năm đóng thì gần đủ NLĐ sẽ phải rút và họ nghỉ việc thì doanh nghiệp phải tuyển người, đào tạo lại, kinh nghiệm không có, hậu quả rất lớn. NLĐ xin việc khác lại phải được đào tạo, lại điệp khúc "đóng, rút" cho đến 47 tuổi nếu họ có thu nhập và việc làm họ mới đóng 15 năm, ngược lại không ai tham gia và chẳng ai chờ đến 62 tuổi. Đối tượng bị thiệt hại không phải là NLĐ mà chính là an sinh bất ổn và bất ổn cuộc sống cho thế hệ trẻ. Ngược lại người đóng đủ năm mà sức khỏe yếu, bị mất việc hay nghỉ khi dưới 50 phải chờ 12-20 năm thì họ sống bằng gì?".
Tạo động lực cho người lao động
Một bạn đọc tên Nguyên góp ý: "Người lao động có thể làm việc đến 60 ,65 tuổi hoặc hơn bất kể nam nữ nếu có điều kiện và công việc và vẫn đống BHXH như thường. Đổi lại người đã đóng BHXH từ 20 trở lên mà đủ cho đến trên 50 tuổi bất kể nam nữ thì đều có thể hưởng lương hưu. Như vậy sẽ công bằng và tạo động lực cho người lao động.