Đông Quan: Bất cập chất lượng nước sinh hoạt từ công trình tiền tỷ

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, thời gian qua, nước từ công trình thường xuyên bị đục mỗi khi có mưa lớn. Tình trạng trên đã và đang ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Thành viên Tổ quản lý theo dõi hoạt động của công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Quan

Thành viên Tổ quản lý theo dõi hoạt động của công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Quan

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Quan được xây dựng từ năm 2019 và đưa vào vận hành đầu năm 2021. Công trình có quy mô thiết kế gồm tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài hơn 21 km, trạm xử lý nước, đồng hồ đo nước. Tổng mức đầu tư công trình gần 8 tỷ đồng, năng lực cấp nước 250 m3/ngày đêm.

Hiện tại, công trình trên đang cấp nước cho 650 hộ dân tại 8 thôn của xã Đông Quan. Công trình dẫn nước từ hồ Bản Nùng, xã Đông Quan và đi qua 4 bể lắng tại khu vực đầu nguồn về đến trạm xử lý. Từ đó, nước được xử lý qua 3 bể lọc và phân phối đến các hộ dân tại xã.

Theo thông tin từ UBND xã Đông Quan, từ đầu năm 2024 đến nay, các hộ dân đã kiến nghị đến UBND xã về tình trạng nước từ công trình cấp nước bị đục. Tuy nhiên, UBND xã vẫn chưa thể tìm cách khắc phục triệt để tình trạng trên do việc nâng cấp, khắc phục cần có cơ quan chuyên môn kỹ thuật cũng như cần có kinh phí.

Kể từ khi công trình trên đi vào hoạt động, nhiều người dân tại xã đã có điều kiện sử dụng nước sinh hoạt an toàn thay vì phải dẫn nước từ khe núi về hoặc từ các giếng khơi như trước đó. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân đang sử dụng nước từ công trình thì gần 1 năm nay, mỗi khi trời mưa lớn nước sinh hoạt lại bị đục và có màu đỏ, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng của các hộ.

Ông Phan Văn Chiều, người dân thôn Bản Nùng, xã Đông Quan cho biết: Cứ mỗi lần có mưa lớn là nước lại đục khoảng 2 ngày mới hết. Mỗi lần như vậy, gia đình tôi lại phải dẫn nước từ khe trên núi về dùng. Bên cạnh đó, khi nước trong trở lại, gia đình lại phải xả toàn bộ nước trong ống dẫn nước và trong téc nước đi mới có thể sử dụng lại. Vào mùa mưa, có lúc vài ngày gia đình phải xả mất 1 - 2 m3 nước đục. Từ đầu năm 2024 đến nay, tôi và các hộ dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị đến UBND xã về tình trạng trên thông qua các cuộc họp xã nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Cùng lý do trên, ông Phan Văn Tiền, người dân thôn Bản Nùng cho biết: Khi mới sử dụng nước từ công trình cấp nước tại xã, gia đình rất phấn khởi vì được dùng nước sạch. Tuy nhiên, tình trạng nước đục xuất hiện thường xuyên trong hơn 1 năm nay khiến gia đình tôi lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế gia đình đã phải mua máy lọc nước để đảm bảo chất lượng nước. Tuy nhiên, do nước bẩn nên khi tôi thử kiểm tra thì các thiết bị trong gia đình như máy lọc nước, bình nóng lạnh trong nhà cũng bị bám rất nhiều cặn bẩn và đất. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian tới, có lẽ gia đình sẽ phải tự khơi giếng hoặc dẫn nước giếng từ các hộ trong thôn về sử dụng thay vì dùng nước từ công trình.

Tìm hiểu từ tổ quản lý, vận hành, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Quan chúng tôi được biết, tình trạng nước đục mỗi khi có mưa lớn không chỉ xảy ra với các hộ dân thôn Bản Nùng mà còn xảy ra với toàn bộ các hộ dân đang sử dụng nước từ công trình tại 7 thôn còn lại như: Hua Cầu; Thồng Niểng; Bản San...

Khi mưa lớn, tổ quản lý, vận hành công trình theo dõi chất lượng nước và thực hiện đóng van lưu thông tại trạm bơm để tránh nước đục chảy về các hộ dân. Tuy nhiên, do nguồn nước nằm ở vị trí đi lại khó khăn, việc đóng van thường không được thực hiện kịp thời, điều này khiến nước bẩn vẫn đi vào đường ống và đi đến nơi chứa nước của các hộ dân. Do đó, cứ mỗi khi nước trong trở lại, các hộ dân lại phải xả bỏ toàn bộ nước bẩn trong đường ống dẫn, nơi chứa nước rồi mới sử dụng tiếp được mà vẫn phải chịu tính phí (5.000 đồng/m3).

Lý giải về nguyên nhân khiến nước sinh hoạt thường xuyên bị vẩn đục, ông Hoàng Văn Ninh, Tổ trưởng tổ quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt xã Đông Quan cho biết: Mỗi khi mưa lớn, nước từ trên đồi đổ xuống nguồn nước mặt tại khu vực đầu nguồn (hồ Bản Nùng) khiến nước bị vẩn đục do lẫn bùn đất. Trong khi đó, với thiết kế kỹ thuật của công trình hiện tại chưa xử lý được tình trạng nước đục. Do vậy, cách duy nhất chúng tôi có thể thực hiện khi nước đục là khóa van tại nhà điều hành.

Theo thông tin từ UBND xã Đông Quan, từ đầu năm 2024 đến nay, các hộ dân đã kiến nghị đến UBND xã về tình trạng nước từ công trình cấp nước bị đục. Tuy nhiên, UBND xã vẫn chưa thể tìm cách khắc phục triệt để tình trạng trên do việc nâng cấp, khắc phục cần có cơ quan chuyên môn kỹ thuật cũng như cần có kinh phí.

Ông Vi Văn Khai, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quan cho biết: Liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng nước từ công trình cấp nước bị đục, UBND xã đã thực hiện việc khấu trừ chi phí nước sinh hoạt hằng tháng để tránh việc người dân phải thanh toán phí với lượng nước bị đục phải xả bỏ. Theo đó, với các hộ sử dụng dưới 10 m3/tháng sẽ được trừ đi 1 m3 khi tính phí, với các hộ sử dụng từ 10 m3/tháng trở lên sẽ được khấu trừ 2 m3. Bên cạnh đó, UBND xã đã chỉ đạo tổ quản lý, vận hành công trình tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành công trình, đặc biệt là khi xảy ra mưa lớn. Từ đó, kịp thời tiến hành đóng van lưu thông khi nước có dấu hiệu đục. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ kiến nghị đến các đơn vị liên quan để tìm hướng hỗ trợ xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, trước kiến nghị của người dân về chất lượng nước sinh hoạt tại công trình cấp nước xã Đông Quan, thiết nghĩ, UBND xã Đông Quan cần khẩn trương phối hợp các đơn vị chuyên môn liên quan để đánh giá tình hình và đưa ra kế hoạch cụ thể để khắc phục triệt để tình trạng trên do hiện tại đã bước vào mùa mưa bão. Qua đó, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nước sinh hoạt của 650 hộ dân trong xã.

GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dong-quan-bat-cap-chat-luong-nuoc-sinh-hoat-tu-cong-trinh-tien-ty-5014429.html