Đông Sang đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra 3 khâu đột phá về nông nghiệp và du lịch, gắn với phát triển nguồn nhân lực. Sau hơn 2 năm thực hiện đã đạt kết quả tích cực, tạo diện mạo mới cho địa phương.

Trồng hoa công nghệ cao tại bản Búa, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Trồng hoa công nghệ cao tại bản Búa, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Đảng bộ xã Đông Sang có 16 chi bộ trực thuộc; trong đó có 11 chi bộ bản, tiểu khu; 2 chi bộ trường học; 1 chi bộ Công an xã; 1 chi bộ Trạm Y tế, 1 chi bộ HTX với gần 300 đảng viên. Với phương châm “sát tình hình thực tế, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân” tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, Đảng bộ xã đã lựa chọn 3 khâu đột phá là: Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của xã, dần đưa du lịch phát triển, là ngành kinh tế mũi nhọn của xã; đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng chí Hà Văn Lý, Bí thư Đảng ủy, cho biết: Căn cứ vào những nội dung đột phá đề ra, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ ban hành chương trình hành động thực hiện các khâu đột phá sát với đặc điểm tình hình của từng bản. Sau hơn 2 năm thực hiện, đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo động lực để Đảng bộ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Tạo đột phá trong lĩnh vực du lịch, Đảng ủy xã đã ban hành chương trình hành động về phát triển du lịch, dịch vụ, giai đoạn 2020-2025. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh. Năm 2021, tuyến đường trục chính từ thị trấn Mộc Châu đến Khu du lịch rừng thông bản Áng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối các điểm, khu du lịch trên địa bàn xã với tuyến quốc lộ 6 và các vùng lân cận. Hiện nay, Khu du lịch sinh thái rừng thông bản Áng đang tiếp tục được đầu tư trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp phát triển du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hằng năm, xã tổ chức lễ hội “Hết Chá” của đồng bào dân tộc Thái tại bản Áng với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khuyến khích phát triển các đội văn nghệ phục vụ du lịch; xây dựng “Không gian văn hóa dân tộc Thái” tại nhà văn hóa bản Áng; khu trưng bày và giới thiệu ẩm thực dân tộc Thái tại bản Búa…

Đồng chí Lữ Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Áng, thông tin: Thực hiện nội dung đột phá về du lịch, cấp ủy, chi bộ tuyên truyền, vận động người dân trong bản tận dụng vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, gìn giữ những điệu múa xòe, làn điệu dân ca, bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống, món ăn đặc sản, tạo sức hút và nét đặc trưng riêng của du lịch cộng đồng ở bản Áng. Trong quá trình thực hiện, nhiều đảng viên tiên phong đi trước, làm trước. Bản hiện có 74 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, nhà nghỉ cộng đồng, vào dịp cuối tuần, đón hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thực hiện nội dung đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai và phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan của huyện hướng dẫn người dân phát huy lợi thế, tổ chức phát triển sản xuất theo quy trình an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Tập trung triển khai, tuyên truyền nhân dân các bản mở rộng khu vực sản xuất rau, quả hàng hóa; tăng cường sử dụng cơ giới hóa, giảm lao động, giảm chi phí sản xuất.

Hiện nay, toàn xã có 300 ha trồng rau màu; trong đó có 31 ha nhà kính, nhà lưới; 250 ha sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng 70 ha trồng dâu tây, hơn 60 ha cây ăn quả các loại. Tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình 17,4 ha rau hữu cơ tại HTX rau an toàn Tự nhiên; hơn 100 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; bà con đầu tư 251 máy cày các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giá trị canh tác trên 1 ha đất sản xuất ngày càng tăng, đối với diện tích trồng rau, củ, quả công nghệ cao đạt từ 200-250 triệu đồng/ha; dâu tây giá trị khoảng 450-500 triệu đồng/ha...

Tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các lớp tập huấn về kỹ năng nấu ăn, tiếng Anh, marketing, trang trí gian hàng; kỹ năng tổ chức biểu diễn, giao tiếp cho đội văn nghệ, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch... Hiện nay, xã có khoảng 500 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, trong đó 10% có bằng cấp, chứng chỉ, còn lại là lao động phổ thông, phục vụ hiệu quả việc phát triển du lịch cộng đồng.

Việc lựa chọn, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng Đông Sang ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/dong-sang-dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song-0u0xM5VIR.html