Đồng sáng lập Intel, tác giả định luật Moore qua đời

Ông Gordon Moore, một trong các đồng sáng lập Intel và tác giả của định luật Moore, qua đời ngày 25/3, thọ 94 tuổi.

Theo thông cáo báo chí của Intel, ông Gordon Moore qua đời ngày 25/3, hưởng thọ 94 tuổi tại nhà riêng ở Hawaii. Ông là một trong “tám kẻ phản bội” thành lập Fairchild Semiconductor, trở thành vườm ươm cho nhiều công ty Silicon Vally, bao gồm AMD.

Ông Gordon E. Moore tại trụ sở Intel năm 1990. (Ảnh: Alamy)

Ông Gordon E. Moore tại trụ sở Intel năm 1990. (Ảnh: Alamy)

Ông cùng Robert Noyce sáng lập Intel với tên ban đầu Intergrated Electronics vào năm 1968. Sau đó, ông trở thành Chủ tịch kiêm CEO năm 1979 và phục vụ ở vị trí CEO trong 8 năm.

Với vi xử lý – bộ não của máy tính, Intel đã giúp các doanh nghiệp Mỹ giữa thập niên 80 lấy lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xử lý dữ liệu máy tính từ tay các đối thủ Nhật Bản. Đến những năm 1990, vi xử lý Intel xuất hiện trong 80% máy tính sản xuất trên toàn thế giới và là công ty bán dẫn thành công nhất lịch sử.

Phần lớn điều này diễn ra khi ông Moore dẫn dắt công ty. Năm 1987, ông từ chức và Andrew Grove kế nhiệm. Ông vẫn làm Chủ tịch Intel đến năm 1997.

Dù đóng vai trò lớn trong phát triển công nghệ đứng sau các thiết bị điện toán máy tính hiện đại, nhiều người lại biết đến ông nhờ “định luật Moore” năm 1965. Theo định luật này, lượng bóng bán dẫn trên một con chip sẽ tăng gấp đôi mỗi vài năm. Một thập kỷ sau, ông thay đổi ước tính của mình thành gấp đôi mỗi hai năm. Dù không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, ý tưởng này vẫn gây bất ngờ vì sự chính xác của mình trong thời gian dài.

Năm 2015, khi được hỏi về định luật Moore, ông trả lời: “Một khi tôi đưa ra dự đoán thành công, tôi sẽ tránh đưa ra dự đoán khác”.

Theo Intel, gần đây ông Moore theo đuổi nhiều dự án thiện nguyện. Năm 2001, ông cùng vợ thành lập quỹ Gordon & Betty Moore, quyên góp 178 triệu cổ phiếu Intel. Cũng trong năm này, họ quyên góp 600 triệu USD cho Viện công nghệ California. Tài sản của quỹ đã vượt 8 tỷ USD và cho đi hơn 5 tỷ USD từ khi ra đời. Năm ngoái, Intel đặt tên nhà máy tại Oregon theo tên ông, “Gordon Moore Park”.

Là một nhân vật kiệt xuất, ông Moore luôn tỏ ra khiêm tốn về các thành tựu của mình, đặc biệt là định luật Moore. “Điều tôi có thể nhìn thấy là các thiết bị bán dẫn giúp đồ điện tử rẻ hơn theo thời gian. Đó là thông điệp tôi muốn gửi gắm. Hóa ra nó lại là một dự đoán chính xác bất ngờ, chính xác hơn nhiều tôi từng tưởng tượng”, trích một bài phỏng vấn ông năm 2000.

(Theo The Verge, New York Times)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-sang-lap-intel-tac-gia-dinh-luat-moore-qua-doi-2124685.html