Dòng sông lượng sức
Lượng sức mình để chảy hết mình là một dạng thông minh và cũng là một cách lấy công việc làm sự vui sống chớ không đơn thuần là kiếm sống. Minh Râu yêu nghề bán rau bởi sự sống rào rạt trong từng bó rau.
Từng sáng say chiều xỉn, cờ bạc nợ nần, rồi gái gú, bệnh tật vì trác táng thâu đêm... Chợt một ngày chàng xăm trổ Minh Râu thành thần tượng của đứa trẻ cho tới bà già.
Nhìn Minh Râu tôi nhớ về những con số không của đời người. Những đứa trẻ xuất phát điểm thấp, như trang giấy trắng và nó tha hồ vẽ lên cuộc đời nó những gì nó thích. Minh Râu xuất phát điểm có nhiều hơn số không nhưng rồi anh ấy xài nhanh quá cho tới khi chưa đủ già đã trắng tay.
Thất bại, bệnh tật khi còn trẻ là một may mắn bởi vì lúc đó người ta còn sức để tái tạo. Nhưng nó chỉ may mắn với ai định lượng được đúng cá tính năng lực của mình.
Trải qua bao nhiêu nghề, bao nhiêu cuộc vui đến độ thân tàn ma dại, Minh Râu nhận ra mình chơi nhiều như thế mà vẫn chán đời. Rốt cuộc niềm vui từ đâu? Rồi ngày kia người bán rau chợt nhận ra cái sự yêu đời không đến từ những tiệc tùng, từ trác táng mà đến từ những tảo tần bên những trái cà, trái bí, nhánh mồng tơi. Biết đâu là cái nghề mình thích như nhận được vé số độc đắc của riêng mình.
Ở bên những mẹt hàng bông có lúc quý như vàng, có lúc lại thừa mứa rẻ rúng như rác, chàng xăm trổ nhận ra một triết lý “Khi bạn chán đời hãy đứng dậy và làm cái gì đó… Nếu bạn ra ngoài làm một số điều tốt đẹp bạn sẽ lấp đầy thế giới bằng hy vọng và lấp đầy bản thân với niềm vui nhỏ”.
Chàng xăm trổ vận hành triết lý đó và bay với nghề bán rau.
Tôi nhớ những nghệ nhân nuôi cá cảnh ở Thái Lan họ cũng bay với những con cá lia thia tí hon khi lai tạo được những con cá có sắc màu tưởng không bao giờ có thể tồn tại. Như anh Hoa Sĩ Hiền trồng được lúa cho hạt gạo đen, gạo tím, trồng bắp cho ra hạt bắp đủ màu. Người nông dân như bay với hạt giống, người nuôi cá vẽ được sắc màu cho con cá bằng cây cọ của thiên nhiên. Bay với nghề giống như tạo cho nghề một tâm hồn để có thể vui thú với nghề bất chấp hoàn cảnh. Làm nghề như lên đồng. Làm nghề trong sảng khoái. Đứng giảng bài mà như đang hát, đang múa, trồng cây lúa mà như đang vẽ nên mùa màng bằng những nét cọ sinh thái.
Minh Râu bay với những nhánh rau. Người lái rau trở thành soái ca “lắm trò” chỉ bằng rau và rau, để mọi người hay dùng từ “rụng tim” với anh xăm trổ bán rau. Sáng tạo vô biên bên cái mẹt rau với những trái ớt trái cà: “Rau muống đột biến giá 5 tỷ một bó nay giảm còn 5 ngàn, ai mua thì bán, ai sin thì cho”. “Bầu miễn phí, lấy vừa đủ ăn, ai lấy nhiều bị… la”…
Rau vẫn là rau. Nó vẫn sống đúng đường đi của nó. Rau cho hay rau bán cũng không lấy đi trong Minh Râu một phân thịt phân xương nào. Dòng sống xanh vẫn chảy, Minh Râu vẫn đứng trong dòng sống xanh tươi mát lành đó, đưa đẩy vun bồi dòng sống xanh bằng chính nó chớ không bằng mạng sống của mình hay của người khác. Sức sống được tạo nên không phải ở sự tận hiến mà là ở sự cộng hưởng. Vừa vặn trong tâm sức và tâm thế giữa sự nhận, sự cho để duy trì no ấm cho cả gia đình mà cũng duy trì được niềm vui của bản thân, của những người trồng rau, mua rau, xin rau.
“Tôi tin em, tôi muốn tặng em mười triệu”, “Tôi muốn tặng em một trăm triệu để mua rau tặng mấy người nghèo được nhiều hơn. Em cứ cho một mình em hoài sẽ kiệt sức”… Những mạnh thường quân nói với Minh Râu như vậy. Là một may mắn khi Minh Râu không nhận thêm những đồng tiền hỗ trợ để mở rộng những sạp rau từ thiện. Con thuyền rau của Minh Râu vừa tầm tay để người lái được ung dung chèo chống.
Con thuyền rau vừa sức để khi có sự cố, một tay có thể kéo nó lên bờ mà không phải dùng mạng mình để cứu nó. Minh Râu sợ con thuyền rau trở thành con thuyền từ thiện được ráp nối bởi rất nhiều mảnh lẻ và chỉ một sơ suất nhỏ những mảnh lẻ rã rời. Tiền nhận thì dễ nhưng đem cho phải đúng người đúng chỗ. Phải tính toán, phải cân phân, phải chịu chê trách người nhiều, người ít, cho đúng, cho sai. Tiền của người nhận vào là nhận trách nhiệm. “Nếu nhận tiền nhiều em trở thành một nhà từ thiện chớ không còn là một người bán rau. Em thích bán rau”, Minh Râu bày tỏ.
Chợ đời bon chen nhưng con người có thể chọn cho mình một góc riêng để hưởng thụ nhàn tản của chợ đời. “Rượu đến gốc cây ta cứ uống. Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” (Cảnh nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Những ngày dịch bệnh nhìn Minh Râu nhậu online khà khà với người hâm mộ, những ngày thường, nhìn Minh Râu gắn cái bảng “bữa nay sỉn các em tự cân tự trả tiền”. Một cuộc nhàn tản thật lãng tử. Người ta nói người đàn ông này không có vợ nên mới nhàn tản được như vậy. Nhưng trong cuộc lượng sức vừa làm vừa chơi vừa giúp rau, giúp đời người lãng tử lại là hình tượng của người cha, người chồng trách nhiệm.
Lượng sức mình để chảy hết mình là một dạng thông minh và cũng là một cách lấy công việc làm sự vui sống chớ không đơn thuần là kiếm sống. Nếu chỉ dựa trên từng nhánh rau kiếm tiền, những ngày rau rẻ người bán chỉ muốn đổ nó xuống sông để chờ đợi một mùa rau đắt đỏ. Nhớ những mùa bông Tết, hầu hết thương lái thà đập bỏ bông đi để kìm giá cho mùa sau chớ nhất định không bán rẻ hoặc cho những nhà nghèo. Nhìn những chậu bông rực rỡ xinh tươi bị đập đổ ngay ngày cận Tết, người chơi bông thù hằn với những thương lái bán bông. Sự thù hằn đã làm cho mùa Tết người ta cảm thấy không còn dồi dào ham muốn mà dè sẻn và cẩn trọng đối với những đồng tiền trao cho thương lái đang buôn bán hương sắc mùa xuân.
Người ta bán bông vì yêu những đồng tiền từ bông đem lại. Những chậu bông không đem lại tiền, người ta đạp đổ nó. Những bó rau không đem lại tiền, người ta để nó nằm im trên sạp cho đến lúc héo tàn. Minh Râu yêu nghề bán rau bởi sự sống rào rạt trong từng bó rau. “Hồi sinh viên tôi từng thiếu rau, thèm rau, ước mơ lớn lên có thể tặng rau cho người nghèo”, anh kể với báo chí.
Dòng chảy của rau là dòng sống. Một ngày rau rời xa sự sống trên cây nó có một dòng sống khác ở những xe tải chở rau, ở những sạp rau, những nhà bếp, những bữa ăn, vận hành trong dòng máu đầy sức sống của những con người giàu rau. Rau của Minh Râu cứ tuôn chảy, mua rẻ bán rẻ, mua mắc bán mắc, ai xin thì cho, có nhiều cho nhiều có ít cho ít, không có thì thôi. Không có những dòng rau nào dừng lại để kìm giá: “Buôn bán để có đồng ra đồng vào, có chút đồng lời mình mua rau ngon rau rẻ tặng mọi người, bà con nhận của mình, thương mình sẽ ủng hộ hàng rau của mình thôi. Chớ không phải tặng rau là muốn nói với mọi người tôi là người tốt”.
Lúc nào người cần mua mình bán. Lúc nào người khổ mình cho. Nghe sao giống những dòng sông đang trôi đâu đó. Nước đổ đến bao nhiêu sông cũng nhận, ai xài bao nhiêu sông cũng cho. Dòng sông vui vì được chảy. Dòng rau xanh của Minh Râu cũng vui chảy từ những ruộng vườn vào những bữa ăn như vậy: “Nếu cứ chăm chăm vào đồng lời cao thấp, khi người ta cần thì ép giá cho tới tận cùng, vậy rồi khi mình cần bán thì ai sẽ muốn mua ủng hộ mình đây. Mua bán cả đời chớ đâu phải chỉ một đợt này rồi nghỉ”. Thương người là thương mình là vậy. Lượng sức gánh gồng, liệu cơm gắp mắm là tài năng của những đôi mắt nhìn xa. Khi nhìn xa người ta không thấy những cái lợi gần và hẳn nhiên sẽ đạt được những cái lợi xa bền vững.
“Tôi không phải người tốt nhưng tôi không phải người xấu. Tôi bình thường, có thể giúp người nhưng cũng có thể đánh người khi nóng giận”, Minh Râu khảng khái.
Minh Râu đích thị là một người bình thường. Nhưng giữa sự sống ngày nay, guồng máy đua chen quá dữ dội khiến mọi người sống theo kiểu gồng gân vượt quá sức hoặc dựa dẫm rồi bỏ lỡ sức mình nhiều quá. Thành ra một người bình thường biết lượng đúng sức mình để chảy hết mình lại trở thành một ngôi sao lừng lẫy.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dong-song-luong-suc-31242.html