Dòng sông nhạc Trịnh: Lặng lẽ một dư âm
Mỗi giai điệu là một câu chuyện, mỗi cảm xúc là một dòng chảy len lỏi trong tình yêu của những người đã từng ngẫm, từng sống và từng chạm vào di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn dù ông đã lìa xa cõi tạm, trở về với cát bụi hai mươi bốn năm qua…

Hai mươi bốn năm kể từ ngày Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, những ca từ và giai điệu của ông vẫn như một dòng sông lặng lẽ chảy qua ký ức của những người yêu nhạc Việt, không ồn ào, không vội vã, nhưng thẳm sâu đến lạ. Những nốt nhạc ấy, những lời ca ấy, tựa hồ mưa rơi trên mái tóc, như ánh nắng nép trong tán lá, và những dòng suy tư day dứt lẩn khuất mỗi lần ngân lên.
Mỗi ca khúc trong di sản của Trịnh là mảnh ghép của một tâm hồn lớn, những thanh âm bất tận về tình yêu, giấc mơ, suy nghiệm và khát vọng sống, vượt ra ngoài vòng tròn của những giai điệu mà thoáng nghe có dáng vẻ trầm buồn, chậm rãi...
***

‘Diễm xưa’ trong ký ức của tôi là một chiều tháng tư từ trong quá vãng nơi quán nhỏ ven kinh thành Huế, một năm sau khi Trịnh Công Sơn rời cõi tạm. Mưa lất phất từng giọt nhẹ êm lặng lẽ buông trên lớp rêu phong mịn như nhung phủ kín mái ngói cũ với từng viên xô lệch, như giọt thời gian nhỏ xuống miền ký ức. Từ chiếc đầu băng cối cũ kỹ trong góc quán với ánh đèn vàng dịu nhẹ, ‘Diễm xưa’ cất lên lảnh lót, không vội vàng, không gấp gáp, một tiếng thở dài giữa chiều tà cố đô.
“Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”

Lời ca như vẽ nên một bức tranh, nơi bóng hình người cũ mờ nhạt dưới màn mưa, bước chân khẽ lướt qua con đường xưa, để lại một khoảng trống không tên trong lòng người ở lại. Trong mơ hồ của làn khói thuốc đặc quánh, tôi cũng không rõ, đó là bóng hình người con gái năm xưa trong lòng Trịnh hay chính là bóng dáng gày gò của người nhạc sĩ tài hoa nơi góc phố từng gắn với ông bao kỷ niệm của những ngày xa.
Chỉ biết rằng, giai điệu ấy mềm như sương, mỏng manh như cánh hoa rơi, nhưng lại nặng trĩu một nỗi nhớ không thể gọi thành lời. Có lẽ, đó chỉ là một thoáng buồn dịu dàng, không xô bồ, không dữ dội, giống như những ca từ đậm chất thơ của Trịnh, lặng lẽ thấm vào từng mạch sống của không gian nơi đây, giống như những giọt đen của ly café đắng vẫn đang từng nhịp rơi chậm rãi…
Diễm không chỉ là một cái tên, mà là hình bóng, là hiện thân của những gì đã mất, của những kỷ niệm xưa, những ngày tháng cũ không bao giờ trở lại, chỉ còn hằn sâu trong ánh mắt xa xăm của người nhạc sĩ đã đi xa, nhưng cái tên và bức chân dung ký họa vẫn còn in mãi trong lòng những người đã trót yêu những hòa âm và ca từ không thể lẫn đi đâu được.
Điều kỳ lạ là mỗi khi đoạn điệp khúc của ‘Diễm xưa’ cất lên như lúc này, tôi lại thấy lòng chợt chùng xuống bởi một nỗi nhớ xa xăm, như đứng trước một khung cửa sổ phủ đầy bụi thời gian, như những vệt mưa đầu hạ giăng mắc bên con phố chật hẹp man mác buồn của vùng đất Thần Kinh. Một nỗi nhớ nhẹ nhàng, chưa bao giờ gào thét, chưa bao giờ thôi thúc trong tôi? Một buổi chiều mưa? Một giai điệu buồn? Hay chỉ một cái tên để nhắc nhớ rằng, cuộc đời là những tháng ngày chảy trôi dòng cảm xúc, là những chuyến đi với trải nghiệm không bao giờ trở lại? Một nỗi nhớ không rõ hình hài, thoáng như giọt mưa lặng lẽ rơi bên dòng ký ức.

Với tôi, nếu ‘Diễm xưa’ là nỗi nhớ không tên, thì ‘Hạ trắng’ lại là những giấc mơ tràn nắng, đẹp như chưa bao giờ có thật. Giai điệu ca khúc như làn gió hạ, nhẹ lùa qua những dòng ký ức, mang theo hơi thở của những ngày xanh trong trẻo.
“Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài”
Lời ca ấy không chỉ là thanh âm, mà là một bức họa sống động với những đường nét tươi tắn với nắng vàng rơi xiên, hoa trắng bay bên những tà áo trắng, con sông nghiêng nghiêng mềm mại xa xa cũng màu trắng, và một mùa hè tinh khôi hiện ra giữa đời thường bụi bặm oi ngạt.
‘Hạ trắng’ không chỉ là nét giao hòa của ánh sáng, của gam màu dịu êm; mà là vết thời gian tâm tưởng, những thanh âm trong trẻo hay ước mộng từ cơn mê giữa trưa hè nắng đổ lửa của một chàng trai trẻ ngoài đôi mươi. Khi mọi thứ dường như đổ vỡ, chàng nhạc sĩ 22 tuổi đã vẽ nên một bức họa với gam trắng chủ đạo - màu của sự thuần khiết, của những giấc mơ không bị vấy bẩn bởi hiện thực nghiệt ngã.
Giai điệu bài hát khiến người nghe như thấy mình đang đứng giữa cánh đồng rộng lớn, nắng chảy qua kẽ tay, gió mơn man khỏa lấp sự trống vắng cô đơn, xua tan những dằn vặt, và lòng bỗng nhẹ nhàng như đám mây trắng đang lững lờ trôi bên sông.

Có lẽ, điều kỳ diệu của ‘Hạ trắng’ là không chỉ gợi ký ức để xoa dịu nỗi đau, mà còn thắp sáng niềm tin trong mỗi người khi gặp nghịch cảnh. Những điều bất ưng mà chúng ta phải đối diện không phải chỉ để thử sức, để vượt qua hoặc e ngại, hoặc chìm đắm trong một khung trời đã mất; mà để mơ, để tin rằng sau những ngày u tối, vẫn còn những gam màu hy vọng chờ đợi ta phía trước. Đằng sau những giai điệu chậm rãi ấy không phải là nỗi buồn u hoài mà là những giấc mơ và niềm hy vọng, như vạt nắng đùa bên những dòng cảm xúc.


Nếu như ‘Diễm xưa’ hay ‘Hạ trắng’ là những dòng cảm xúc nhẹ nhàng mang tính bản thể thường trực trong mỗi cá nhân thì ‘Cát bụi’ lại là những suy tư mang đậm triết lý nhân sinh, những trải nghiệm về tính vô thường và mong manh của những hiện diện trong cuộc sống này. Hình ảnh ‘hạt bụi’ được sử dụng như một ẩn dụ sâu sắc về cái nhỏ bé và hữu hạn của con người trong vũ trụ bao la, hay kiếp người dù có dài như năm tháng, nhưng cũng chỉ là một hơi thở rất ngắn của lịch sử.
"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi".
Câu hát gợi lên cảm giác về sự khiêm nhường, sự hòa thuận của nhân tính với quy luật biến dịch của cuộc đời và vạn vật. Tinh thần của ca khúc thấm đượm tư tưởng Phật giáo về tính vô thường và luân hồi của nhân sinh. "Kiếp thân tôi" như một vòng tái sinh hiện thân từ cát bụi, rồi lại trở về với cát bụi, thể hiện một cái nhìn và trải nghiệm sâu sắc về sự mong manh của mỗi kiếp người cũng như tạo hóa. Tuy mang một nỗi buồn man mác về sự ngắn ngủi, hữu hạn của nhân sinh, ‘Cát bụi’ đồng thời cũng ánh lên niềm hạnh phúc trong cái hữu hạn nghiệt ngã đó. Hạnh phúc là chính phút giây hiện tại, là chính những tháng ngày này chứ không phải quá khứ, càng chẳng phải tương lai, cũng chẳng phải đâu xa, nếu ta nhận ra ý nghĩa, và sống trách nhiệm với những phút giây hiện tại.

Sự đan xem giữa tinh thần Phật giáo của phương Đông với triết lý hiện sinh của phương Tây khiến ca khúc mang âm hưởng lạc quan vượt ra ngoài những giai điệu tưởng chừng mang sắc thái hờn giận, trách móc về ánh chớp hữu hạn vô tình của thực tại. Cái vô thường của triết lý Phật giáo hiện thân trong trải nghiệm của Trịnh không mang đến cảm thức bi quan mà ngược lại, gợi mở những khoảnh khắc thanh thản trong tâm hồn khi nhận ra quy luật tự nhiên của cuộc sống, để sống ý nghĩa hơn, trách nhiệm hơn với những tháng ngày hiện tại.
“Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay...”
Giai điệu của ‘Cát bụi’ nhẹ nhàng, trầm lắng, với lối kể chuyện thủng thẳng chất chứa suy tư, hòa quyện với ca từ rất thơ mang trải nghiệm cuộc sống và suy nghiệm triết lý đã tạo nên một không gian âm nhạc nhiều tầng xúc cảm. Ca khúc khơi gợi trong lòng người nghe những trăn trở về ý nghĩa nhân sinh, về tồn tại trong triết học phương Tây và tính không trong tư tưởng phương Đông.
Dù đề cập đến một chủ đề có vẻ u buồn, ‘Cát bụi’ vẫn mang đến một cảm giác an nhiên thảnh thơi khi con người nhận ra vòng tuần hoàn của hiện sinh, vui vẻ với những lời mời gọi nhiều ý nghĩa của cuộc sống thực tại - một trạng thái thấu cảm sâu sắc và trưởng thành về mặt cảm xúc của những người mang nhiều trải nghiệm.

Hai mươi bốn năm qua, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn lặng lẽ cuộn chảy những dư âm, không ồn ào nhưng bền bỉ, như một dòng riêng giữa nguồn chung của âm nhạc hiện đại. Nếu ‘Diễm xưa’ là giọt mưa rơi đọng trên mái tóc của bóng hình người cũ năm xưa, là nỗi nhớ vô định đong đầy trong ánh mắt kẻ mang hoài niệm; ‘Hạ trắng’ là giọt nắng trong trẻo bên giấc mơ tinh khôi giữa đời thường ngột ngạt; thì ‘Cát bụi’ là trải nghiệm hiện sinh tràn đầy hy vọng một cách chủ động giữa những quy luật nhân sinh nghiệt ngã bất biến. Đằng sau những giai điệu chậm rãi với vẻ bề ngoài trầm buồn là tinh thần lạc quan, nhập cuộc; là giấc mơ, hy vọng và nỗ lực nâng niu cái đẹp nhân sinh của cuộc sống thực tại.
Chất đa thanh trong giai điệu và ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn là vậy. Ba ca khúc, ba cung bậc cảm xúc và trải nghiệm, nhưng đều là những nhịp đập của một trái tim nhạy cảm, yêu đời, thấm đẫm suy niệm cũng như triết lý sống của một người từng trải. Nhạc Trịnh không chỉ để nghe, mà để cảm. Mỗi giai điệu là một câu chuyện, mỗi lời ca là một bức tranh, mỗi cảm xúc là một dòng chảy len lỏi trong tình yêu của những người đã từng ngẫm, từng sống và từng chạm vào di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn, dù ông đã lìa xa cõi tạm, trở về với cát bụi...
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dong-song-nhac-trinh-lang-le-mot-du-am-318833.htm