Đóng tàu dân dụng giải nỗi lo thiếu hụt nguồn nhân lực-Bài 2: Giữ chân lao động lành nghề
Sau giai đoạn thị trường đóng tàu giảm sút, quy mô nhân lực của nhiều nhà máy cũng giảm đáng kể. Đến nay, những người gắn bó với nhà máy đóng tàu đa phần đã có hàng chục năm làm việc, kỹ năng tốt, kinh nghiệm dồi dào nhưng độ tuổi trung bình ngày càng tăng.
Vừa giữ chân lao động lành nghề, các nhà máy đóng tàu cũng vừa tìm cách tuyển dụng, đào tạo lao động thay thế và phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất.
Hàng chục năm gắn bó với ngành đóng tàu
Tại nhiều đơn vị đóng tàu, chúng tôi gặp gỡ không ít trường hợp người lao động có hàng chục năm gắn bó với nhà máy. Họ trưởng thành cùng các phân xưởng đóng tàu, trải qua những giai đoạn thăng trầm và ngay cả lúc khó khăn nhất, công việc bấp bênh nhất cũng chưa bao giờ họ nghĩ đến việc sẽ rời đi.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, công nhân Phân xưởng vỏ tàu 1, Công ty Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) cho biết, phân xưởng đang đóng tàu chở hàng 65.000 tấn, trước đó đã làm nhiều sản phẩm khác nhau. Thu nhập của người lao động vài năm trở lại đây ổn định, năng suất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, thời gian gần đây, công việc nhiều, chế độ đãi ngộ tốt, nếu làm ngoài giờ thêm 3 tiếng được tính thêm một công, như vậy có những ngày được chấm hai công, mỗi công khoảng 400 nghìn đồng. Với 30 năm làm việc ở nhà máy, là thợ bậc 5/5, ông Nguyễn Văn Tuấn có thâm niên, tay nghề cao nhưng cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.
"55 tuổi tôi có thể được nghỉ hưu vì lao động trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại. Nhưng hiện nay, thanh niên, người trẻ tuổi ít người muốn theo nghề này. Tổ sản xuất của tôi có 10 người thì chỉ có 4 người trên dưới 30 tuổi, trẻ nhất là 27 tuổi", ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Cũng như ông Nguyễn Văn Tuấn, chị Hoàng Thị Thúy, công nhân Công ty Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) đã gắn bó với nhà máy hơn 20 năm, phụ trách vận hành máy cắt CNC. Lúc học nghề, chị được đào tạo thợ hàn nhưng công việc độc hại nên chuyển sang vận hành máy cắt CNC. Đặc thù tự động hóa cao, công việc của chị Thúy cần bảo đảm tính chính xác, chi tiết mạch cắt đẹp.
Lúc mới đầu vào nghề, chị học hỏi từ những người đi trước, thợ cũ dạy cho thợ mới. Chị Thúy cho biết, 5 năm gần đây, công việc ổn định, thu nhập ở mức 10-12 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng chị Thúy đều làm cùng một nhà máy, trong phân xưởng của chị còn có những gia đình nhiều thế hệ nối tiếp nhau làm công nhân đóng tàu. Dù công việc vất vả nhưng chị Thúy vẫn rất gắn bó vì yêu nghề.
Trong ngành đóng tàu còn có những lao động được đào tạo chuyên môn đặc thù, đơn cử như thợ hàn nhôm, phục vụ cho đóng mới, sửa chữa tàu vỏ nhôm. Anh Võ Tấn Lên, công nhân Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, để làm được công việc hàn nhôm, công nhân như anh không chỉ qua đào tạo chuyên ngành mà còn đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, hỏng một mối hàn có thể phải thay thế cả tấm nhôm.
Theo ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, đối với thợ hàn nhôm, do đặc thù công việc nên nhà máy phải tự đào tạo, sau đó qua thẩm định của đơn vị đăng kiểm để cấp chứng chỉ. "Lúc mới đóng tàu vỏ nhôm, chúng tôi phải tuyển thợ của các công ty nước ngoài, từ những người thợ đó phát triển đội thợ cho riêng mình, rồi mời chuyên gia đào tạo thêm. Chủ yếu phải "tự thân vận động" bởi đóng tàu vỏ nhôm ở Việt Nam còn khá mới mẻ", ông Trần Tấn Châm cho biết.
Sẵn sàng tuyển mới, đào tạo lao động tại chỗ
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, một số đơn vị đóng tàu thực hiện giải pháp tuyển lao động phổ thông, thậm chí mới tốt nghiệp THPT, sau đó tự đào tạo và rèn luyện tay nghề ngay tại nhà máy. Theo ông Nguyễn Văn Trình, Tổ trưởng Tổ sắt hàn 2, Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng), trước đây, để được vào làm công nhân đóng tàu rất khó, tuyển dụng gắt gao, thậm chí ưu tiên con em cán bộ, công nhân viên. Hiện nay vào dễ dàng hơn, có công nhân trẻ, vừa học xong THPT đã được tuyển vào công ty, sau đó được công ty đào tạo, cho tiếp cận công việc thực tế.
Ông Phùng Văn Khôi, cố vấn Ban lãnh đạo kiêm Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Nam Triệu đánh giá, điều kiện làm việc của công nhân đóng tàu nặng nhọc hơn ngành nghề khác nên người lao động, nhất là lao động trẻ không còn mặn mà. Công ty đã thí điểm sử dụng lao động nước ngoài, hiện đang thuê vài chục công nhân người Ấn Độ để giải quyết bài toán về nhân lực trong giai đoạn trước mắt. Bên cạnh đó, Công ty Đóng tàu Nam Triệu sẵn sàng tuyển thợ từ các trường dạy nghề, miễn các chi phí trong quá trình thực tập để thu hút học viên đã tốt nghiệp ở lại nhà máy làm việc.
Yếu tố hàng đầu để có thêm nhiều người lao động lựa chọn, gắn bó với nghề đóng tàu không chỉ là thu nhập mà còn ở môi trường làm việc. Anh Hoàng Phú Hiệp, công nhân Công ty Đóng tàu Damen Sông Cấm cho biết, gắn bó với công ty được 4 năm, trước đó, anh đã làm ở đơn vị đóng tàu khác nên bắt nhịp được ngay với công việc của nhà máy. Điều anh Hiệp quan tâm nhất là quy trình làm việc bài bản, chỉn chu, luôn đặt yếu tố an toàn lên trên hết, giúp anh yên tâm với công việc.
Như nhìn nhận của nhiều lãnh đạo đơn vị đóng tàu, để giữ chân người lao động cần chăm lo tốt hơn đến chế độ, chính sách cho lao động trực tiếp, tạo việc làm ổn định. Hiện nay, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) đang duy trì hơn 300 lao động, ngoài ra, công ty còn thuê thêm nhà thầu phụ. Theo ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn, công ty duy trì và phát triển hoạt động đóng mới cũng như sửa chữa tàu biển để có việc làm thường xuyên.
"Cùng với lương, thưởng, các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều được công ty giải quyết kịp thời, đầy đủ. Nếu không bảo đảm thu nhập tốt sẽ không thể giữ được nhân lực", ông Đỗ Văn Khoa nhìn nhận.
Bài toán đặt ra với không ít đơn vị đóng tàu dân dụng là muốn tăng thu nhập cho người lao động phải có thêm các đơn hàng, sản phẩm mới. Để làm được việc đó cần có sự đầu tư về trang thiết bị, máy móc và bảo đảm năng lực tài chính.
Tuy nhiên, vì những gánh nặng từ các khoản vay trước đó nên hiện nay, hầu hết đơn vị đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) không vay được vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; không được ngân hàng bảo lãnh theo thông lệ khi ký kết hợp đồng với chủ tàu nước ngoài, dẫn đến khó khăn khi muốn tiếp nhận đơn hàng đóng tàu xuất khẩu. Để giải quyết những thách thức này, vấn đề đặt ra là cần có định hướng phát triển, từ đó mới có giải pháp thiết thực, khả thi.
(còn nữa)
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.