Đóng tàu dân dụng giải nỗi lo thiếu hụt nguồn nhân lực-Bài 3: Cần xây dựng chiến lược, định hướng phát triển dài hạn (Tiếp theo và hết)
Đóng và sửa chữa tàu biển dân dụng được xác định là một trong 4 trụ cột của hàng hải. Để phát huy tiềm năng kinh tế biển, cần cụ thể hóa vào từng ngành, lĩnh vực, trong đó có đóng tàu với chiến lược căn cơ, lâu dài. Điều này cũng giúp ngành đóng tàu giải quyết được bài toán thu hút nhân lực, mở rộng, phát triển sản xuất, theo kịp công nghệ với thế giới.
Tăng năng suất, công nghệ để giảm chi phí
Từ câu chuyện thiếu hụt nguồn nhân lực của các đơn vị đóng tàu, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho rằng, điều đó phản ánh sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực này. "Đóng tàu là ngành khó khăn, vất vả nhưng là ngành cơ bản để kéo theo các lĩnh vực sản xuất khác phát triển. Công nghiệp hàng hải, đóng tàu có tính chất lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác", ông Nguyễn Tiến Đạt nhìn nhận. Vận chuyển hàng hải có nhiều ưu thế về giá rẻ, khối lượng lớn, do vậy, nhu cầu đóng tàu sẽ ngày càng tăng, điều này sẽ thúc đẩy thay đổi công nghệ, tăng năng suất, hiệu quả công việc của các nhà máy đóng tàu.
Là liên doanh được đánh giá thành công nhất trong số các nhà máy đóng tàu ở nước ngoài của Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), Công ty Đóng tàu Hyundai Việt Nam (Khánh Hòa) đều đặn xuất xưởng sản phẩm mới, chủ yếu là tàu phục vụ hóa dầu. Về lâu dài, Công ty nghiên cứu đóng tàu chở khí hóa lỏng (LNG), ethanol, phù hợp với xu hướng thân thiện với môi trường. Trước những khó khăn đặt ra của nhiều đơn vị đóng tàu tại Việt Nam, ông Lee Jong Chan, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Hyundai Việt Nam chia sẻ, vì năng lực cạnh tranh của ngành đóng tàu Việt Nam còn yếu nên mức độ đãi ngộ và môi trường làm việc vẫn bị đánh giá kém hơn so với các ngành khác. Để tăng cường sức cạnh tranh của ngành đóng tàu cần có lượng lớn kỹ sư giỏi, nhưng do các công ty đóng tàu còn ở quy mô nhỏ nên chưa đáp ứng được nguồn nhân lực mới. Nếu năng lực cạnh tranh của ngành đóng tàu Việt Nam được đẩy mạnh, điều kiện đãi ngộ và làm việc sẽ được cải thiện.
Theo ông Lee Jong Chan, ngành đóng tàu sử dụng nhiều lao động, chi phí nhân công chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng chi phí. Một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang phải chịu chi phí lao động tăng cao và thiếu nhân lực. Ông Lee Jong Chan nhận định, Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn đầu tư về lĩnh vực đóng tàu. Nếu không tích cực đầu tư vào ngành này ngay từ bây giờ, tình hình có thể sẽ khó khăn hơn vì chi phí lao động ngày càng tăng cũng như xu hướng người lao động không muốn làm công việc nặng nhọc.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) đề xuất, cần xác định lại tính tồn tại của ngành đóng tàu dân dụng, từ đó có phương án khắc phục, xử lý những vấn đề đang đặt ra. “Hiện nay đã có thời cơ để phục hồi, phát triển, do vậy, cần đầu tư để giữ ngành đóng tàu. Muốn vậy phải có chính sách, cơ chế đặc biệt, trong đó có cơ chế vay vốn, xử lý tài chính. Cũng cần xóa bỏ định kiến của xã hội, người dân về ngành đóng tàu thì mới tuyển dụng được người lao động”, ông Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất để ngành đóng tàu có thể tồn tại, phát triển là bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) chia sẻ, dù không được vay vốn hay bảo lãnh của ngân hàng, nhưng nhờ vào chất lượng từ những sản phẩm đã bàn giao trước đó, Công ty vẫn tiếp tục được đối tác Hàn Quốc đặt hàng để đóng seri tàu chở hóa chất. Năm 2016, Công ty Đóng tàu Phà Rừng bắt đầu đóng tàu chở hóa chất đầu tiên tải trọng 6.500 tấn với seri 3 chiếc. Tháng 12-2022, chủ tàu tiếp tục ký hợp đồng đóng mới thêm 3 tàu. Đến nay, 5 chiếc được đóng chính thức và tiếp tục thỏa thuận thêm 2 chiếc nữa. Chất lượng sản phẩm là yếu tố căn cốt để tạo nên uy tín của đơn vị đóng tàu, giúp khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Cần có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư
Bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác liên tục với đối tác Việt Nam là Công ty Đóng tàu Sông Cấm, ông Joris Van Tienen, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Damen Sông Cấm khẳng định, từ chỗ là nơi nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đóng tàu, nhà máy của Damen Sông Cấm đặt tại Hải Phòng hiện đang xuất khẩu kiến thức, tri thức đến các nhà máy khác của Damen về tàu công trình, tàu lai dắt. Trước đây, đóng mới một tàu cần khoảng 10 chuyên gia của Damen để quản lý, giám sát kỹ thuật, nhưng hiện tại không cần chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Việc duy trì công suất nhà máy đóng tàu ở mức 30 tàu/năm như tại Công ty Đóng tàu Sông Cấm không phải dễ dàng có thể đạt được, có nơi phải mất 5-10 năm.
Phát biểu tại lễ đặt ky đóng mới tàu biển của đơn vị đóng tàu trong nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, đóng và sửa chữa tàu là một trong 4 trụ cột của hàng hải bên cạnh cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Hiện nay, đội tàu của Việt Nam đáp ứng được 100% nhu cầu vận tải nội địa và khoảng 10% vận tải quốc tế. Mục tiêu trong tương lai, đội tàu Việt Nam sẽ dần chiếm lĩnh thị trường vận tải. Việt Nam đang trong giai đoạn có những điều kiện phát triển, không chỉ ngành đóng tàu, vận tải biển mà cả các ngành nghề khác. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, ngân hàng, nhà máy, doanh nghiệp có thể vươn lên, chớp thời cơ. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các nhà máy, đơn vị đóng, sửa chữa tàu cần tiếp tục có kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, các chủ tàu trong kế hoạch mở rộng đội tàu cần lưu tâm đến các nhà máy đóng tàu của Việt Nam, để ngành đóng tàu trong nước ngày càng phát triển, đóng được những con tàu thuần Việt có trọng tải lớn hơn.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), đầu tư trong lĩnh vực đóng tàu đòi hỏi rất nhiều nguồn lực tài chính trong khi tỷ suất lợi nhuận không cao. Ngoài ra, Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nước có nền công nghiệp đóng tàu phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ toàn diện hơn đối với phát triển ngành đóng tàu như: Thu hút đầu tư nước ngoài; tái cơ cấu các khoản vay để giải quyết những vấn đề khó khăn tài chính đang kìm hãm sự phát triển của một số nhà máy thuộc SBIC. Đồng thời, hỗ trợ các công ty vận tải biển để khuyến khích nâng cao chất lượng đội tàu hiện đại, sử dụng nhiên liệu xanh, từ đó tạo điều kiện bảo đảm việc làm, phát triển cho các công ty đóng tàu.
Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ có chọn lọc và trọng điểm phục vụ ngành đóng tàu. Có chính sách đầu tư phù hợp cho việc hỗ trợ đào tạo nhân lực đóng tàu, hướng tới thiết kế, đóng mới các loại tàu hiện đại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường ngày càng cao theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.