Đóng tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/tàu
Doanh nghiệp có tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức 30 triệu đồng/tấn tải trọng, nhưng không quá 40% tổng mức đầu tư, tối đa 15 tỷ đồng/tàu.
Tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá có tải trọng tối thiểu 200 DWT sẽ nằm trong diện hỗ trợ. Ảnh minh họa
Đây là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
Theo đề xuất, doanh nghiệp có dự án đầu tư chăn nuôi gia súc (bao gồm: Trâu, bò, lợn, dê, cừu) để làm giống, lấy sữa hoặc lấy thịt được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 10 tỷ đồng/dự án.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, tối đa 15 tỷ đồng/dự án.
Dự án đầu tư chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ phải đáp ứng điều kiện về quy mô công suất tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, doanh nghiệp có tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển được ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức 30 triệu đồng/tấn tải trọng (DWT), nhưng không quá 40% tổng mức đầu tư, tối đa 15 tỷ đồng/tàu.
Điều kiện hỗ trợ là tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá có tải trọng tối thiểu 200 DWT; được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo quy định của pháp luật.
Đối với hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 1,5 tỷ đồng/dự án, cụ thể: Hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề hoặc thuê đào tạo nghề không quá 40% chi phí đào tạo cho một lao động, mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/lao động.
Nguồn vốn hỗ trợ: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương dành khoảng 5% vốn chi ngân sách hàng năm cho ngành nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Nghị định này. Nguồn vốn thực hiện bao gồm: vốn chi đầu tư phát triển, vốn chi thường xuyên, dự phòng, vượt thu ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật ngân sách Nhà nước.