Động thái gây chú ý của Á hậu Lê Phương Thảo sau clip dậy sóng cõi mạng
Nhiều netizen phát hiện Á hậu Lê Phương Thảo đã làm điều này sau khi nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Mạng xã hội những ngày qua xôn xao trước đoạn video được cho là "đu trend" của Á hậu Lê Phương Thảo. Trong clip, cô xuất hiện trong bối cảnh bị xử phạt với nội dung "mời chị ký vào đây". Đáng chú ý, đoạn video này được tạo dựng hoàn toàn bằng công nghệ AI, không phải tình huống thật.
Hình ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng và vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt. Nhiều người cho rằng việc sử dụng hình ảnh lực lượng chức năng để "câu view" là thiếu tôn trọng và thậm chí có thể vi phạm pháp luật.

Clip đu trend của Á hậu Lê Phương Thảo nhận về nhiều ý kiến phản ứng trái chiều. (Ảnh FBNV)
Trước làn sóng phản ứng trái chiều, tối 8/7, nhiều netizen phát hiện đoạn clip gây tranh cãi đã không còn trên trang Facebook của Á hậu Lê Phương Thảo. Có bình luận cho rằng, khả năng là cô đã ẩn/gỡ bài đăng sau khi nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đến hiện tại, cô chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích hay phản hồi chính thức nào.
Trước đó, đoạn video này đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng với hàng loạt bình luận phê phán, cho rằng đây là hành động không nên dù biết Á hậu Phương Thảo có thể chỉ "đu trend". Một số khán giả cho rằng việc làm này thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật, đồng thời có thể dẫn đến hệ lụy khi người xem, đặc biệt là giới trẻ, học theo một cách vô thức.

Gần đây, Á hậu Lê Phương Thảo cũng vướng ồn ào mập mờ về chuyện đỗ đại học Harvard. (Ảnh FBNV)
Với sự phát triển bùng nổ của AI ở thời điểm này, việc tạo dựng những hình ảnh, video "giả nhưng như thật" trở nên quá dễ dàng và phổ biến. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nguy cơ bị lợi dụng, gây ra những hệ lụy khó lường trong việc bảo vệ hình ảnh và uy tín của chính người trong cuộc.
Trường hợp của Á hậu Phương Thảo là minh chứng rõ ràng cho điều này. Việc sử dụng AI để tạo ra video giả bị xử phạt với mục đích "đu trend" hay gây cười đã nhanh chóng phản tác dụng. Không những không nhận được sự ủng hộ, cô còn vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân cũng như lòng tin của công chúng.
Đây cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Khi sở hữu sức ảnh hưởng nhất định, mỗi động thái, phát ngôn hay chia sẻ trên không gian mạng đều có thể tác động sâu rộng đến cộng đồng. Việc sử dụng công nghệ AI một cách vô tội vạ, không kiểm soát, nhất là khi liên quan đến pháp luật sẽ không chỉ gây ra hậu quả cá nhân mà còn có thể tạo tiền lệ xấu cho xã hội.
Người nổi tiếng có nên cẩn trọng hơn khi sử dụng hình ảnh giả lập, nhất là những nội dung nhạy cảm liên quan tới pháp luật? Đây là câu hỏi đáng suy ngẫm trong thời đại AI ngày càng phổ biến. Sự hài hước, giải trí nếu không đi kèm với sự hiểu biết và trách nhiệm rất dễ dẫn đến "cái kết đắng", mà trường hợp của Á hậu Phương Thảo là một ví dụ điển hình.