Đồng Tháp: Bứt phá xây dựng giao thông nông thôn từ xã hội hóa
Các tuyến đường giao thông nông thôn được kết nối liên hoàn và thông suốt với mạng lưới đường Quốc lộ; đường về các xã, ấp dễ dàng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới.
Tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đã huy động sức mạnh xã hội hóa trong xây dựng cầu, đường nên đến nay, địa phương đã hình thành hệ thống giao thông nông thôn cơ bản hoàn chỉnh, kết nối thông suốt, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chấm dứt cảnh ngăn sông cách đò
Những ngày gần đây, nhiều người dân ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung rất phấn khởi vì cầu rạch Nước Trong (dài hơn 30m, rộng 4m) nằm trên địa bàn xã được khởi công xây dựng. Cùng với cầu, đường rạch Nước Trong với chiều dài trên 1.300m cũng sẽ khởi công trong thời gian tới.
Công trình cầu và đường này dự trù kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng; trong đó người dân và nhà hảo tâm ủng hộ gần 700 triệu đồng, số tiền còn lại là từ nguồn vốn của Nhà nước.
Nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức cũng chung tay hỗ trợ xây dựng những cây cầu nghĩa tình ở Đồng Tháp. Điển hình là Dự án cầu Hy vọng thuộc chương trình Nâng bước em đến trường được Quỹ Hy vọng thực hiện tại Đồng Tháp giai đoạn 2019-2024 tại các huyện, thành phố trong tỉnh, với tổng số cầu nông thôn xây dựng là 100 cây cầu; trong đó, Quỹ Hy vọng hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng. Tất cả cầu Hy vọng đều xây dựng bằng bê tông cốt thép vững chắc, trung bình dài từ 25-32m, mặt rộng từ 3,5-4m.
Không chỉ thực hiện bằng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm,” nhiều công trình giao thông nông thôn được thực hiện gần như hoàn toàn bằng sức dân. Điển hình, cầu Công Đức (dài 67m) trên địa bàn xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười do gia đình ông Võ Văn Đức ở xã Mỹ Quí và người dân ở địa phương góp tiền, góp công xây dựng với chi phí gần 1,2 tỷ đồng.
Ông Đức chia sẻ: “Từ khi có cầu đã chấm dứt cảnh ngăn sông cách đò, đáp ứng ước vọng bao đời của người dân nơi đây. Khi bắc chiếc cầu này, chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ mong giúp đỡ được bà con phần nào trong việc đi lại. Nhìn người dân phấn khởi, trẻ em đến trường an toàn là chúng tôi vui rồi.”
Các địa phương đã tranh thủ tối đa những nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cầu, đường nông thôn theo hình thức xã hội hóa. Cách làm này không những nhanh chóng giải quyết khối lượng lớn công trình giao thông bức thiết, kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân mà còn giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư của Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, các địa phương phát huy quy chế dân chủ cơ sở; tuyên truyền, vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân được đẩy mạnh để bà con hiểu rõ về ý nghĩa, quy mô công trình và mức đóng góp cụ thể trước khi thực hiện.
Theo Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp, trong 10 năm qua, các cấp Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường của tỉnh Đồng Tháp đã tham gia vận động và tổ chức xây dựng hơn 1.370 cầu nông thôn, tổng chiều dài gần 36.000m; xây dựng mới và nâng cấp 352 công trình đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 555km.
Tổng trị giá xây dựng các công trình cầu, đường này trên 794 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp, người dân, nhà hảo tâm đóng góp gần 430 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương đối ứng.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Cống cho biết, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường các cấp và các đội thi công thiện nguyện nâng cao tinh thần quyết tâm trong vận động nguồn lực và tổ chức thi công những công trình giao thông nông thôn, bảo đảm đúng thời gian, chất lượng và tính thẩm mỹ.
Việc quản lý thu, chi nguồn tài trợ thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch đã tạo được niềm tin của nhà tài trợ; sự hỗ trợ tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội cùng sự quan tâm và giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương và nhân dân. Nhờ đó, nhiều công trình cầu, đường nông thôn đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Bảo đảm quy mô hợp lý
Đặc biệt, để xây dựng được những cầu, đường nông thôn trong suốt 10 năm qua, cùng với ủng hộ tiền mặt, người dân các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã hiến khoảng 223.000m2 đất, di dời hàng rào, cổng ngõ và tham gia hơn 312.000 ngày công lao động, tổng giá trị trên 70 tỷ đồng.
Trực tiếp bắc cầu, làm đường giao thông nông thôn không chỉ có lực lượng của các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ...) và người dân địa phương-nơi xây dựng công trình mà còn có nhiều người dân từ địa phương khác đến tham gia.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 13 đội thi công cầu đường thiện nguyện với hàng trăm thành viên, đa số là lớn tuổi, có tinh thần thiện nguyện. Các đội vừa tham gia vận động kinh phí, vừa đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp xây dựng cầu, làm đường.
Không chỉ xây dựng các công trình giao thông nông thôn trong tỉnh Đồng Tháp, các đội này còn hỗ trợ tỉnh An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long xây dựng nhiều cây cầu. Chất lượng công trình bảo đảm, đa số các đội thi công cầu đường thiện nguyện sử dụng dầm và cọc công nghiệp để làm cầu; tính thẩm mỹ, tính đồng bộ giữa cầu và đường được quan tâm thực hiện; đường dẫn và đường kết nối, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông.
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Quân cho hay, Hội đã xây dựng kế hoạch thi đua xây dựng giao thông nông thôn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Theo đó, Hội đề ra mục tiêu từ nay đến ngày 30/4/2025, toàn tỉnh vận động và xây mới 250 cầu nông thôn. Mỗi huyện, thành phố xây dựng một tuyến đường kiểu mẫu. Các công trình được xây dựng phải bảo đảm quy mô hợp lý, chất lượng và thẩm mỹ.
Động lực phát triển nông thôn
Với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động sức mạnh tổng hợp từ xã hội, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nhiều công trình cầu, đường nông thôn. Cuộc bứt phá trong xây dựng giao thông nông thôn đã giúp cho các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nhanh chóng chuyển mình.
Đời sống người dân từ chỗ thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là điều kiện đi lại khó khăn, ngược xuôi bằng xuồng ghe dưới hệ thống kênh rạch là chính, thì giờ đây có thể chủ động tới lui bằng xe trên những con đường đan hoặc nhựa thông thoáng. Đây là tiền đề để xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, góp phần mang lại cho nông thôn bộ mặt mới.
Ông Phạm Văn Cảnh ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cho biết, trước đây, Tân Kiều là một xã vùng sâu, giao thông thì toàn đường đất và cầu khỉ. Phương tiện chính dùng để lưu thông là xuồng ghe, từ Tân Kiều đến thị xã Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh) mất khoảng nửa ngày.
Nhưng khoảng 10 năm qua, giao thông đường bộ của xã, nhất là giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng nhiều, việc đi lại thuận tiện hơn. Từ đó, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều quán xá, cơ sở kinh doanh; đời sống nhân dân nâng lên; bộ mặt nông thôn đổi mới.
Còn Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) từng được biết đến là xã cù lao. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, xã đã được “kết nối” với Quốc lộ 30 bởi cầu Sông Cái Nhỏ, có bến phà nối liền xã Bình Thạnh với thành phố Sa Đéc. Hầu hết các trục đường ấp, liên ấp đã được bê tông hóa, xe hai bánh lưu thông dễ dàng. Nhờ đó, việc giao thương và đi lại của nhân dân với các địa phương khác được thông suốt.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, sau nhiều năm tập trung nguồn lực đầu tư, sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp và Nhân dân trong tỉnh, đến nay mạng lưới giao thông nông thôn cơ bản được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Các tuyến đường giao thông nông thôn được kết nối liên hoàn và thông suốt với mạng lưới đường Quốc lộ; đường về các xã, ấp dễ dàng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho hay, tính đến tháng 6/2023, Đồng Tháp có 109 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 18 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự; hai huyện Cao Lãnh và Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới. Ước tính đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành); 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nói về định hướng phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Hoàng Bảo cho hay, quy hoạch phát triển giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giao thông vận tải, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến mạng lưới đường giao thông nông thôn; giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các điểm công nghiệp chế biến, sản xuất-chế biến và tiêu thụ; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và nhu cầu đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển giao thông nông thôn, thực hiện có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”./.