Đồng Tháp - 'Đất sen hồng' sẽ có bước phát triển vững chắc, xứng đáng là một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông sản quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long

LTS: Sáng nay, 17.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự và phát biểu tại Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2021-2026.Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh Đồng Tháp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh Đồng Tháp

- Thưa Chủ tọa kỳ họp,

- Thưa đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp,

- Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đại biểu khách quý và toàn thể đại biểu dự Hội nghị,

- Thưa phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương,

- Thưa cử tri và nhân dân tỉnh Đồng Tháp,

Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Kỳ họp lần thứ Sáu, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Về với “Đồng Tháp - Đất sen hồng” một vùng đất với những con người nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Lời đầu tiên, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại biểu khách quý, các vị đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân tỉnh Đồng Tháp lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X thành công tốt đẹp.

Kính thưa quý đại biểu,

Kỳ họp thứ Sáu của HĐND tỉnh Đồng Tháp diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, kế thừa và phát huy của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đã có nhiều đổi mới: Từ phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng về: tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, Báo cáo này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội dành một phiên để thảo luận tại Hội trường. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập nhiều kỳ họp bất thường, để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách của đất nước. Đây là một số vấn đề mà HĐND tỉnh Đồng tháp nghiên cứu, có thể áp dụng.

Kính thưa quý đại biểu,

Trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối vĩ mô được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. GDP tăng 3,72%; thu ngân sách Nhà nước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 718,8 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD; xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Cùng với sự phát triển của cả nước, tôi hết sức phấn khởi, trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc, từ một địa phương thuần nông trở thành điểm sáng của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp (chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nằm trong top 5 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc trong 15 năm liên tục). Đồng Tháp đã từng bước nâng cao chất lượng sống của nhân dân bằng sự kết hợp hài hòa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,89%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,06% và cao hơn mức bình quân của cả nước; tổng thu ngân sách đạt 4.194 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 4.044 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 950 triệu USD[1], xuất siêu trên 180 triệu USD, trong đó xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi, tăng 19,98% về sản lượng, tăng 25,61% về kim ngạch; kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50%, cao hơn 22,08% so với năm 2022. Chất lượng giáo dục các cấp cơ bản được bảo đảm; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; quan tâm giải quyết việc làm cho người dân. Các chỉ tiêu văn hóa, xã hội được chú trọng thực hiện, nhất là đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng giúp hoạt động du lịch khôi phục nhanh. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên, là do tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương; sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị tỉnh; sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực, chủ động của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp làm động lực cho “Đồng Tháp - Đất sen hồng” có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh đứng đầu Vùng Đồng bằng song Cửu Long về tốc độ tăng trưởng.

Trong thành tựu chung của Tỉnh, có sự đóng góp tích cực của HĐND, sự đồng hành, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội khóa XV. HĐND tỉnh Đồng Tháp đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động, nổi bật là việc kịp thời tổ chức các kỳ họp đúng luật định, khoa học, phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu, ban hành nhiều quyết sách quan trọng về các vấn đề quan trọng, cấp bách của địa phương, tháo gỡ những khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình điều hành của UBND tỉnh, phục vụ hiệu quả quá trình phá triển KTXH. Thông qua việc tăng cường đổi mới lề lối làm việc, vai trò của hoạt động thực chất, hiệu quả, được cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao; đồng thời, đã thực hiện tốt công tác phối hợp, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, địa phương, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong triển khai nhiệm vụ, tăng liên kết vùng. Đáng chú ý, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp đã kịp thời triển khai Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt, chuẩn hóa hoạt động giám sát; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Cùng với những đổi mới trong hoạt động HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Quốc hội cũng như nâng cao uy tín, vị thế của các cơ quan dân cử.

Xin báo với Hội nghị, trong Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, đã có 1.533 lượt ĐBQH phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 3 phiên thảo luận tại Đoàn ĐBQH; 1.415 lượt đăng ký, 695 lượt ĐBQH phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận tại Hội trường; trong đó ĐBQH của tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là Đoàn tích cực, chủ động phản ánh được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tỉnh Đồng Tháp quan tâm.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của cử tri và nhân dân trong tỉnh Đồng Tháp trong thời gian vừa qua.

Kính thưa quý đại biểu,

Trong bối cảnh 6 tháng cuối năm 2023 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để phát huy những thế mạnh, tiềm năng hiện có, trước bối cảnh, yêu cầu và các vấn đề đang đặt ra đối với nhiệm vụ chung của tỉnh và công tác dân cử trong tình hình mới. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhân hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 11 của tỉnh, các Chương trình hành động triển khai, thực hiện Nghị quyết; đặc biệt là những nội dung rất quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn thành sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND, làm tiền đề phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh Đồng Tháp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh Đồng Tháp

Tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các chủ trương nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp điều hành sát với thực tiễn, khả thi cao; trước mắt thực hiện các giải pháp để về đích các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh; tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Đồng Tháp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Thứ hai, tiếp tục phát huy ưu thế của tỉnh về sản xuất nông nghiệp làm động lực phát triển KT-XH hiệu quả và bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy “làm kinh tế nông nghiệp”, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và bảo vệ môi trường. Phát triển thế mạnh về nền tảng và kinh nghiệm xây dựng hệ thống công nghiệp chế biến nông sản, hệ thống tổ chức cộng đồng, nhất là các hội quán, hợp tác xã. Tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông cấp vùng đi qua tỉnh Đồng Tháp. Phát triển các không gian kinh tế - đô thị mới dựa trên mối quan hệ liên kết - hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị. Đặc biệt, cần tập trung sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ tư, tăng cường nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng có hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm các chủ trương đổi mới sắp xếp về tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thứ năm, Đối với HĐND tỉnh, trongtham mưu, tổ chức thực hiện, phải luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết đảng bộ tỉnh. Về nội dung triển khai, thực hiện, cần chủ động xây dựng kế hoạch, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND. Nội dung kỳ họp của HĐND phải chủ động từ sớm, từ xa, tránh “bị động, lúng túng”; điều hành kỳ họp phải linh hoạt, khoa học, hợp lý, giảm thời gian báo cáo, tăng thời gian thảo luận, tập trung vào những vấn đề mới, vấn đề khó còn có ý kiến khác nhau. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri cho phù hợp, thiết thực, gợi mở được vấn đề để cử tri tham gia phát biểu ý kiến; tổng hợp, phân loại, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Quang cảnh Kỳ họp

Quang cảnh Kỳ họp

Bên cạnh đó,nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực, uy tín của đại biểu HĐND các cấp gắn chặt với nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đại biểu HĐND; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh để thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt, Thường trực HĐND tỉnh cần chủ động tổ chức giám sát tiến độ thực hiện công trình trọng điểm trên địa bàn; tránh để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong việc khai thác nguyên vật liệu phục vụ cho dự án.

Thứ sáu, tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ, góp phần đánh giá cán bộ, về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”. Đề nghị HĐND tỉnh tổ chức thực hiện tốt Quy định số 96 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Kính thưa quý đại biểu,

Với khát vọng ý chí vươn lên mạnh mẽ và sự đoàn kết, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tôi tin tưởng rằng, tỉnh sẽ có bước phát triển rõ rệt, vững chắc, xứng đáng là một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng, có thương hiệu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, thông qua các đại biểu dự họp và qua các phương tiện thông tin đại chúng, cho phép tôi trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng của tỉnh Đồng Tháp lời thăm hỏi ân cần, lòng tri ân sâu sắc và tình cảm thân thiết nhất.

Một lần nữa, xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH và cử tri, nhân dân tỉnh Đồng Tháp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công mới, thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn!

*Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

____________
[1] Xuất khẩu: 565 triệu USD; nhập khẩu: 385 triệu USD.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/dong-thap-dat-sen-hong-se-co-buoc-phat-trien-vung-chac-xung-dang-la-mot-trong-nhung-trung-tam-san-xuat-che-bien-nong-san-quan-trong-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long-i336361/