Đồng Tháp: Đẩy nhanh cấp phép mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc
Tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ cung cấp đủ trữ lượng cát được giao cho các dự án giao thông trọng điểm. Đồng thời, tỉnh này cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ còn lại tối đa trong vòng hai tháng.
Ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã đi khảo sát công tác khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và làm việc với các đơn vị liên quan.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (năm 2023 cung ứng 3,3 triệu m3 cát phục vụ công trình).
Để cung ứng đủ 7 triệu m3 cát theo yêu cầu, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000 m3 (tăng công suất 50%). Đồng thời, giới thiệu 6 mỏ để các đơn vị hoàn tất thủ tục giao mỏ cho nhà thầu, trong đó đã bàn giao 1 mỏ tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Còn lại các mỏ, địa phương phấn đấu trong tháng 10/2023 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.
Đối với việc thiếu sản lượng, UBND tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ hoặc giới thiệu các mỏ mới để giao nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù theo quy định.
Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho khảo sát, tiến hành đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu nhằm xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản, có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp thực hiện và quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù. Trong đó, làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cho biết, hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cần giới thiệu thêm 2 mỏ, để đủ trữ lượng giao cho nhà thầu khai thác và cung ứng cát.
Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng cơ chế đặc thù trong thủ tục cấp phép chỉ có hiệu lực đến hết năm 2023, do đó tỉnh Đồng Tháp cần đẩy nhanh các thủ tục này. Bên cạnh đó, trong quá trình giao cho nhà thầu tự khai thác, kiến nghị địa phương sớm công bố giá, để các bên xác định giá đưa vào dự toán công trình.
"Hiện nay, có một số mỏ được giao nhưng quá trình vận chuyển từ mỏ về công trường gặp nhiều khó khăn. Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị địa phương có văn bản hướng dẫn hoặc cấp giấy tờ liên quan để vật liệu khi được nhà thầu đưa ra khỏi tỉnh sẽ đi đến được công trường", ông Thi nói.
Trước kiến nghị trên, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp khẳng định, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu để cung cấp đủ trữ lượng cát cho dự án theo cam kết.
Thời gian đầu, thủ tục cấp mỏ còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên những mỏ còn lại, tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp và các bên liên quan rút ngắn thời gian làm thủ tục tối đa trong vòng 2 tháng.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu nhà thầu phải có tiến độ khai thác cụ thể và địa phương sẽ giám sát theo tiến độ này.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị thống nhất chủ trương về việc dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được áp dụng cơ chế đặc thù trong cung ứng vật liệu.
Trả lời kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét, thống nhất chủ trương này để đẩy nhanh tiến độ các dự án, phát huy hiệu quả của các tuyến cao tốc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thống nhất với kiến nghị cho khảo sát, tiến hành đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu. Từ đó, xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản, có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra đột xuất, không để tình trạng lợi dụng chính sách của nhà nước nhằm khai thác trái phép, mua bán, vận chuyển không hóa đơn… Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cần nhanh chóng triển khai thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy các bãi bồi, cồn nổi để hạn chế sạt lở. Việc này vừa đảm bảo lưu thông dòng chảy, vừa kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét để cung ứng vật liệu cho các công trình.