Đồng Tháp: Gần 6.000 hộ sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở
Tính đến hết quý II/2022, trên toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở hơn 131 km, gần 6.000 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn...
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua kết quả kiểm tra thực tế, tính đến hết quý II/2022, trên toàn tỉnh có tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở hơn 131 km, gần 6.000 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn; trong đó có 3.897 hộ đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ mé bờ sông trở vào 30 mét; 2.076 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ 31 - 60 mét.
Hiện nay tình trạng sạt lở bờ sông trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp xảy ra tại 19 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố: Thanh Bình, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự. Từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 7/2022, diện tích sạt lở gần 2 ha gây mất an toàn cho đời sống người dân, ước thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.
Ông Võ Thành Ngoan cho biết, hỗ trợ di dân vùng thiên tai năm 2022 là 107 hộ (91 hộ thuộc đối tượng sạt lở; 14 hộ thuộc đối tượng cụm tuyến dân cư vượt lũ. với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng).
Ở Đồng Tháp tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng trong những năm gần đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh sạt lở nội đồng xảy ra tại 12 xã của 4 huyện: Thanh Bình, Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung với tổng chiều dài là 1.235 m, diện tích hơn 4.000 m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 5 hộ dân, ước thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.
Trước diễn biến tình hình sạt lở bờ sông Tiền, với nguồn lực của địa phương và Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả như: Kè chống sạt lở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; kè chống xói lở bảo vệ thị xã Hồng Ngự; kè chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình; kè chống xói lở khu vực Phường 11, thành phố Cao Lãnh; Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị xã Sa Đéc; dự án Khắc phục sạt lở bờ sông Tiền tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành…
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đầu tư 10 công trình chuyển tiếp và chuẩn bị đầu tư chống sạt lở bờ sông từ năm 2021 - 2025 như: Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, thành phố Cao Lãnh (giai đoạn 2); kè Hổ Cứ, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh (nối dài về phía hạ lưu); xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh (giai đoạn 2); kè chống sạt lở xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò; nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, thành phố Cao Lãnh (giai đoạn 2); kè Hổ Cứ, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh (nối dài về phía hạ lưu); xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh (giai đoạn 2); kè chống sạt lở xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò với nguồn vốn năm 2022 hơn 220 tỷ đồng.