Đồng Tháp kỳ vọng mô hình Hội quán tiếp tục tạo ra nhiều giá trị mới

Vừa đi - vừa tìm đường, vừa gợi mở - vừa thuyết phục, vừa so sánh - vừa chứng minh, vừa hình thành cái mới - vừa vun đắp cái cũ đó là hành trình các Hội quán trên địa bàn tỉnh đi qua và phát triển. Đến nay, qua 7 năm thành lập, mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp khẳng định được hướng đi đúng đắn, mang lại nhiều giá trị mới trong đời sống, sản xuất, cũng như văn hóa của người dân Đồng Tháp.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (bên phải) thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của huyện Lai Vung tại Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I, năm 2023

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (bên phải) thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của huyện Lai Vung tại Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I, năm 2023

THÀNH TỰU TỪ HỘI QUÁN

Khởi xướng từ Canh Tân Hội quán được thành lập vào ngày 3/7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, với 105 thành viên. Đến nay, sau 7 năm thành lập, toàn tỉnh Đồng Tháp phát triển được 145 Hội quán, với gần 8.000 thành viên, trong đó, có 38 hợp tác xã được thành lập từ nền tảng Hội quán.

Từ khi ra đời cho đến nay, Hội quán đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Hội quán giúp giải được bài toán “liên kết - hợp tác” giữa nông dân với nhau. Đây được xem là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Là Hội quán đầu tiên được thành lập ở tỉnh, Canh Tân Hội quán (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) đã làm tốt vai trò tập hợp, kết nối, định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán cho biết, là thủ phủ của vùng đất trồng nhãn Châu Thành, hàng năm nơi đây cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn nhãn phục vụ cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Từ đòn bẩy Hội quán, bà con tiến tới thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn An Hòa mở ra hướng đi mới cho cây nhãn trên vùng đất cù lao. Hiện, HTX xúc tiến cho thành viên tham gia đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, huyện có 23 mã số vùng trồng với diện tích 550ha, xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Úc, New Zealand, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.

Thời gian qua, Minh Tâm Hội quán xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (thành lập tháng 9/2016) thực hiện tốt vai trò tập hợp nông dân cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”. Ông Trần Phú Hậu - thành viên Minh Tâm Hội quán xã Mỹ Xương chia sẻ, từ sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, đến nay, nông dân Hội quán biết ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm FaceFarm. Qua ứng dụng mã QR này, người mua “Cây xoài nhà tôi” sẽ dễ dàng hơn trong việc theo dõi quy trình chăm sóc cây xoài sở hữu. Nông dân biết kinh doanh cây xoài qua sàn thương mại điện tử, giúp mô hình này được nhiều khách hàng biết đến hơn.

Có thể nói, Hội quán đang hướng đến sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân Đồng Tháp. Từ tâm lý trông chờ, ỷ lại, người dân biết “tự nguyện, tự quản, tự quyết định”, là người làm chủ xóm làng, làm chủ vận mệnh của mình, cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng. Đặc biệt, nông dân Hội quán cùng tập hợp tham gia chuyển đổi nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững, tạo bứt phá kinh tế của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái) thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của huyện Châu Thành tại Ngày hội

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa trái) thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của huyện Châu Thành tại Ngày hội

TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ MÔ HÌNH HỘI QUÁN

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, mô hình Hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, cách làm ăn đi từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời góp phần phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thực tế chứng minh, những năm qua, nông nghiệp giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,51%/năm; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ước đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn huyện nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Đến nay, Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao... Thành tựu này có sự đóng góp rất quan trọng của Hội quán.

Khẳng định quan điểm, tỉnh khuyến khích mô hình Hội quán thực sự phát triển bền vững, theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, cần thống nhất quan điểm, người dân thành lập Hội quán, chính quyền sẽ làm “cầu nối” giúp Hội quán tiếp xúc các chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng; hỗ trợ Hội quán liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trên tinh thần chính quyền không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của Hội quán để người dân tự quyết định những công việc thuộc về mình mà vốn dĩ bà con nắm, hiểu rõ và thực hiện tốt nhất”.

Chặng đường 7 năm, với những khó khăn ban đầu, tuy nhiên, với tâm thế vừa đi - vừa tìm đường, vừa gợi mở - vừa thuyết phục, vừa so sánh - vừa chứng minh, vừa hình thành cái mới - vừa vun đắp cái cũ, mỗi Hội quán cũng dần tìm ra hướng đi đúng cho câu chuyện phát triển sản xuất của mình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Tọa đàm “Hội quán Đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Tọa đàm “Hội quán Đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp”

Là người khởi xướng mô hình hội quán, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng: “Vẫn còn nhiều khó khăn cùng những phần việc phải làm cho hướng đi sắp tới. Trong đó, câu chuyện được tỉnh kỳ vọng đó chính là Hội quán kết nối từ không gian nông thôn với không gian đô thị; từ liên kết “3 nhà” (Nhà nông - Nhà nước và Doanh nghiệp) đến liên kết với tổ chức Quốc tế; hướng mạnh đến việc tiếp cận những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị; kết hợp phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường... Con đường nào cũng có những chông gai, tuy nhiên nếu biết đồng lòng, liên kết, Hội quán sẽ còn tạo ra nhiều giá trị mới trong tương lai”.

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-ky-vong-mo-hinh-hoi-quan-tiep-tuc-tao-ra-nhieu-gia-tri-moi-118307.aspx