Đồng Tháp Mười - nửa thế kỷ bứt phá - Bài 3: Nông thôn mới nơi biên cương
Thị xã Kiến Tường, trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười nằm ở vị trí khá thuận lợi, trong vùng nông nghiệp – du lịch và kinh tế cửa khẩu tỉnh Long An. Với những quyết sách đầu tư về nhiều mặt, cùng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, thị xã Kiến Tường cùng các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã khoác lên mình diện mạo mới sau gần 50 năm Ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.
Chú trọng đầu tư, phát triển con người
Là cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An luôn hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. Hằng năm, ngành Giáo dục tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên; nghiên cứu xây dựng, tham mưu chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.
Ngành cũng chú trọng thực hiện các đề án, kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2020-2025 như: Chương trình hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; Đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở giai đoạn 1…
Trường Trung học phổ thông Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường) được xã hội hóa xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 132 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, ngôi trường thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển theo định hướng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh khu vực Đồng Tháp Mười.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thiên Hộ Dương Bùi Xuân Lộc cho biết, năm đầu tiên thành lập, trường còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm thứ 2, trường phát huy tối đa công năng. Mỗi phòng học có ti vi thông minh, máy tính để bàn kết nối internet, đáp ứng phương pháp dạy học mới, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018…, làm cho tiết học sinh động, hiệu quả hơn.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy khiến giáo viên phải chú trọng trau dồi công nghệ thông tin, góp phần giảm sức ỳ so với trước đây. Trường có lớp chất lượng cao, đòi hỏi giáo viên không ngừng nâng cao kiến thức.
“Kết quả dạy và học của nhà trường được minh chứng qua việc năm học 2022-2023, 100% học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, có 80% học sinh đỗ vào trường đại học, cao đẳng. Trong đó, một số em vào trường khá danh tiếng”, thầy Bùi Xuân Lộc chia sẻ.
Khó khăn hiện nay là trường chưa có ký túc xá, trong khi đây là nhu cầu bức thiết của rất nhiều học sinh, nhất là học sinh ở những huyện xa như Vĩnh Hưng, Tân Hưng… Dự kiến, khu ký túc xá sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2025 – 2030, góp phần hướng tới mục tiêu là trường đào tạo chất lượng cao trong vùng.
Bên cạnh đầu tư cho giáo dục chất lượng cao, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười có quy mô 500 giường, đáp ứng tiêu chuẩn bệnh viện hạng 2, được xây dựng trên khuôn viên rộng 5ha với tổng mức đầu tư hơn 561 tỷ đồng. Hiện tại, Bệnh viện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 250 giường bệnh, trang bị nhiều máy móc, trang thiết bị, phương tiện với tổng kinh phí gần 54 tỷ đồng.
Bệnh viện đi vào hoạt động góp phần tăng cường nguồn lực y tế cho tỉnh. Đến nay, Long An có 4 bệnh viện hạng 2 được phân bố đều khắp các khu vực trung tâm thành phố Tân An, huyện Đức Hòa, huyện Cần Giuộc và khu vực Đồng Tháp Mười, góp phần nâng cao chất lượng y tế tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, người dân các huyện trong vùng được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, khắc phục điểm nghẽn trong cấp cứu các bệnh nguy hiểm cần có “thời gian vàng” tiếp cận y tế. Bệnh viện còn thực hiện thêm chức năng đối ngoại, góp phần hỗ trợ chăm sóc y tế cho người dân nước bạn Campuchia ở vùng giáp biên giới Long An.
Sau tròn 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, Bệnh viện phát huy gần hết công năng, thực hiện tốt chức năng, vị trí, nhiệm vụ của mình. Bệnh nhân nội trú tăng 20-30% so với khi ở vị trí cũ. Biên chế của Bệnh viện hiện có 201 cán bộ nhân viên y tế, 29 cán bộ nhân viên được đào tạo sau đại học, 109 có trình độ đại học, 111 nhân viên hợp đồng…
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười Chung Văn Kiều cho biết: Bệnh nhân tới đây đa số là người có hoàn cảnh khó khăn, đều sử dụng bảo hiểm y tế. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, tập thể cán bộ Bệnh viện phát huy hết khả năng, năng lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị trong khám chữa bệnh cho người dân. Sắp tới, Bệnh viện liên kết với một số bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai kỹ thuật chuyên môn vượt tuyến, đề xuất bác sĩ về hỗ trợ khi bệnh nhân có yêu cầu.
Nông thôn mới nơi biên cương
Được xem là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, thị xã Kiến Tường là minh chứng cụ thể cho tinh thần đoàn kết, sức vươn lên của vùng. Năm 2020, thị xã Kiến Tường được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Vùng quê từng một thời khó khăn, vất vả, giờ trở thành “điểm sáng” của tỉnh Long An.
Về thăm Thạnh Trị, một xã biên giới của thị xã Kiến Tường, có thể cảm nhận rõ những đổi thay lớn ở mảnh đất vùng biên này. Trên 98% cánh đồng được tưới tiêu chủ động. Mùa thu hoạch, máy gặt đập liên hợp chạy trên các cánh đồng. 100% đường xã, ấp được nhựa hóa, bê tông hóa. 99,5% hộ dân sử dụng điện an toàn. 100% trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, 100% trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1…
Nói về sự đổi thay của quê hương, ông Trần Tôn Quyền (ấp 1, xã Thạnh Trị) chia sẻ: “Lúc còn cày ruộng bằng trâu, tôi đâu nghĩ có ngày nông dân rải giống, xịt thuốc bằng máy, xe có thể đi tới bờ ruộng. Đường trước ngõ nhà tôi, xưa chỉ là đường đất, cây cối rậm rạp, giờ là lộ nhựa, được lắp đèn đường. Xóm làng sáng hẳn lên. Bởi vậy, mỗi lần Nhà nước vận động hiến đất làm đường, tôi đồng ý ngay, vì đường mở rộng người hưởng lợi đầu tiên là mình”.
Theo lộ trình, năm 2025, xã Thạnh Trị và xã Bình Hiệp sẽ hoàn tất xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đó là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền, người dân 2 xã. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp Trương Văn Thanh, từ khi xây dựng thành công xã nông thôn mới, địa phương có nhiều thay đổi. Thu nhập tăng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư nâng cấp… Trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Bình Hiệp sẽ chú trọng hơn nữa công tác dân vận, phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục đề xuất, kiến nghị với cấp trên về những khó khăn, tồn tại để sớm có biện pháp khắc phục.
Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường Nguyễn Văn Vũ cho biết, thời gian tới, cùng với hỗ trợ từ các cấp, chính quyền và nhân dân Kiến Tường nỗ lực khắc phục những khó khăn, nhất quán phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiếp tục thực hiện lộ trình hợp lý, vững chắc, không huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững.
Niềm vui trên mảnh đất Đồng Tháp Mười
Vùng đất Đồng Tháp Mười vốn là vùng ruộng lúa thẳng cánh cò bay, nay nhiều loại cây trồng khác bắt đầu “bén rễ” mang tới “mùa vàng” cho người dân. Ông Trần Văn Chín (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) vui vẻ kể về vườn sầu riêng của mình: “Vườn sầu riêng nhà tôi rộng 7ha, có 3ha đang cho trái. Cây phát triển đều, chất lượng trái không thua sầu riêng ở Tiền Giang hay Bến Tre”. Khi phóng viên đến, ông Chín đang xới đất, lên luống thêm 2,5ha đất để trồng sầu riêng. Vụ vừa qua, với hơn 100 cây sầu riêng Ri6 (khoảng 1ha), ông Chín thu hoạch hơn 10 tấn trái, thu hơn 1 tỷ đồng.
Nhắc đến sầu riêng miền Tây, mọi người thường nghĩ đến Tiền Giang, Bến Tre, ít ai biết vùng Đồng Tháp Mười của Long An đã và đang hình thành những vườn sầu riêng trĩu trái, được vun trồng bởi niềm tin và sự cần lao của người dân vùng đất này. Anh Đỗ Văn Đoàn, chủ vườn sầu riêng 3ha và vườn mít 1,5ha tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường chia sẻ: “Nông dân thường có xu hướng tìm kiếm loại cây trồng phù hợp, mang lại lợi nhuận cao trên mảnh đất của mình. Mấy năm cây lúa được mùa mất giá nên tôi quyết định chuyển đổi cây trồng”. Đến nay vườn sầu riêng của anh được 5 năm, chuẩn bị thu trái. Vườn sầu riêng nhà anh Đoàn trồng theo kỹ thuật do Hợp tác xã Tân Phú (tỉnh Bến Tre) chuyển giao. Đây là đơn vị chuyên canh cây sầu riêng, có mã số vùng trồng, có chứng nhận GlobalGAP. “Hợp tác xã Tân Phú đang nhân rộng diện tích trồng sầu riêng để cung cấp cho đối tác xuất khẩu nên tôi và một số hộ dân khác trong vùng cùng tham gia, vừa học được kỹ thuật sản xuất sạch vừa có đầu ra ổn định”, anh Đoàn nói.