Đồng Tháp: Nông dân tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất
Mô hình nhằm giúp hội viên nông dân và nhân dân tái sử dụng rác sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngày 20/12, tại huyện Châu Thành, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết mô hình điểm "Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”.
Để mô hình thực hiện hiệu quả, Ban Kinh tế-Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội Nông dân huyện Châu Thành khảo sát chọn 32 thành viên tham gia mô hình làm điểm tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành.
Tổ chức 6 lớp tập huấn hướng dẫn cho hơn 360 hội viên nông dân thực hiện mô hình; mời chuyên gia hướng dẫn hội viên, nông dân làm men (IMO) gốc, thực hành trực tiếp lên lục bình, rơm rạ, thức ăn thừa hoặc các loại phụ phẩm trong nông nghiệp, cá, ốc bươu vàng… tạo thành phân hữu cơ, khử mùi trong chăn nuôi gia đình hoặc công nghiệp, nhà vệ sinh trường học, bãi rác, chợ...
Đồng thời cải tạo đất, tăng độ màu mỡ, tơi xốp cho đất; cách tạo men thuốc trừ sâu, trừ nấm, bệnh trên cây trồng, tạo độ bóng, sáng cho trái cây và bảo quản trái cây...
Hiện, các thành viên đang thực hiện để xử lý trên vườn cây ăn trái, vườn rau, ao cá, chuồng trại của mình và nhà vệ sinh trường học, bãi rác, chợ.
Từ mô hình điểm của tỉnh, Hội Nông dân huyện Châu Thành triển khai nhân rộng cho 41/41 trường học trên địa bàn huyện.
Đồng thời, thành lập Tổ Nông dân tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tại vườn của các thành viên, chợ dân sinh.
Có 420 hội viên nông dân thực hiện thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình, sử dụng men IMO làm phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, lục bình…) có khoảng hơn 40 tấn được ủ phân hữu cơ ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt. Hội viên nông dân tham gia mô hình điểm áp dụng tốt việc chuyển giao công nghệ sinh học của mô hình, đặc biệt là giải pháp IMO. Sử dụng vi sinh vật bản địa có lợi tại khu vườn của mình.
Nguyên liệu để nông dân tự làm men IMO, làm phân thuốc trừ sâu rầy từ những nguyên liệu quen thuộc với con người như men tiêu hóa probio, sữa chua, đường, men rượu, nước, trái cây ngọt như chuối, mít…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu cho biết, mô hình mang ý nghĩa, giá trị cộng đồng rất cao. Mô hình vừa phục vụ cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp nông dân chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành.
Đối với Hội Nông dân tỉnh, đây là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội đến năm 2028. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương xây dựng Đề án về triển khai thực hiện mô hình này trong toàn tỉnh.