Đồng Tháp sẽ đấu giá mỏ cát để phục vụ các công trình đầu tư công
Tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm bằng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, ngoài khó khăn vướng mặt bằng, các công trình còn thiếu cát thi công.
Nhà thầu thi công cầm chừng
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp có 25 danh mục công trình giao thông trọng điểm, tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng.
Trong đó, có 23 danh mục công trình do UBND tỉnh quyết định đầu tư (12 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020, 11 dự án giai đoạn 2021-2025) và hai danh mục công trình hỗ trợ cấp huyện đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.
Tại dự án xây dựng tuyến đường tỉnh (ĐT) 857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845, tổng mức đầu tư 2.180 tỷ đồng, việc thi công của các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Tống Lý Hồng Phúc, cán bộ kỹ thuật, Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM (nhà thầu thi công gói số 14) cho biết, trên công trường hiện tại công ty chỉ bố trí 20 công nhân cùng 5 thiết bị, máy móc để thi công các cây cầu có trong dự án.
"Gói thầu số 14 do công ty phụ trách thi công dài 4,2km, trong đó có ba cây cầu. Hiện tại, các cây cầu cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 6. Riêng phần đường đang bị chậm tiến độ do không có cát để thi công", anh Phúc cho biết thêm.
Anh Đặng Bá Đức, đại diện đơn vị tư vấn giám sát gói thầu số 13 và 14 (dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845) thông tin, hai gói do đơn vị phụ trách tư vấn, giám sát có tổng chiều dài 9,7km.
Đến nay, tiến độ thi công gói 13 đạt 61% và gói 14 đạt 53%. Tổng nhu cầu cát của hai gói này là 606.000m3 cát.
Ngày 31/12, thời gian thi công của hai gói thầu này sẽ kết thúc, nhưng đến nay, các nhà thầu chỉ mới nhận được 350.000m3 cát, chưa đáp ứng được 50% nhu cầu thi công của các nhà thầu.
"Việc thi công của các nhà thầu rất khó khăn, theo quy định đến cuối tháng 6 này, nhà thầu phải hoàn thành các cây cầu có trong gói thầu. Sau khi hoàn thành các cây cầu, nhà thầu phải bắt tay qua làm đường nhưng cát thì vẫn chưa về công trường nên nhà thầu không thể thi công", anh Đức chia sẻ.
Còn tại gói thầu số 19, anh Nguyễn Tiến Dũng, chỉ huy trưởng công trình, Liên danh Công ty Thăng Long - Trí Việt (nhà thầu thi công) cho biết, gói thầu do nhà thầu phụ trách thi công có bốn cây cầu.
"Hiện tại, tiến độ thi công cầu đạt hơn 90%, phần còn lại đang được nhà thầu gấp rút hoàn thành trong tháng 6 này. Trên công trường hiện tại công ty bố trí 26 công nhân cùng 12 thiết bị, máy móc để hoàn thành các cây cầu theo quy định", anh Dũng cho hay.
Anh Đinh Thiều Nam, đơn vị tư vấn, giám sát dự án tuyến đường tỉnh ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 chia sẻ, các nhà thầu đang rất nỗ lực trong quá trình thi công dự án. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là cát nên các nhà thầu cũng chỉ thi công cầm chừng.
"Theo tính toán, cả dự án cần 2,6 triệu m3 cát. Thế nhưng, dự án chỉ mới nhận được 970.000m3 cát. Cát ngưng cấp cho dự án từ tháng 11/2023, đến nay vẫn chưa có cát về công trường", anh Nam nói.
Không có cát thi công, nhiều nhà thầu cho công nhân tạm nghỉ và rút máy móc, thiết bị rời khỏi công trường. Trong đó có gói thầu số 13 và 15 đã ngưng thi công từ sau tết Nguyên đán đến nay.
"Các đơn vị liên quan cũng đã có đề xuất để được cấp cát, dự kiến trong tháng 10 hoặc 11 tới mới có cát về công trường tiếp tục thi công", anh Nam chia sẻ.
Trong khi đó, tại dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (QLDAĐTXDCTGT) tỉnh Đồng Tháp, dự án còn thiếu 91.000m3 cát đắp nền đường.
Dự án này thuộc diện công trình sử dụng vốn đầu tư công nên chờ được phân bổ cát theo quy định. Dự kiến tháng 9 tới, cát mới được đưa về công trường thi công.
"Nếu như trong tháng 6 này có cát về công trường, chủ đầu tư sẽ thúc nhà thầu tăng cường nhân lực, vật lực và tăng ca, tăng kíp để thi công bù tiến độ.
Còn cát về không kịp thì dự án có nguy cơ không thể về đích vào cuối năm nay do hiện tại tiến độ thi công đang bị chậm so với kế hoạch đề ra", cán bộ Ban QLDAĐTXDCTGT tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Giải pháp để đẩy nhanh tiến độ
Ban Quản QLDAĐTXDCTGT tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, trong quá trình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn lớn nhất là khan hiếm nguồn vật liệu cát san lấp.
Qua thống kê sơ bộ, tổng nhu cầu cát trong năm 2024 của 8 công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh hơn 3,4 triệu m3.
Các công trình đang cần cát để thi công là dự án ĐT845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước, nâng cấp quốc lộ 30 giai đoạn 3 (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh) và ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845.
Tuy nhiên, đa số những dự án này vẫn chưa được cung ứng và tiếp nhận cát theo số lượng đã được phân bổ. Do vậy, để có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhiều lần đi kiểm tra thực tế dự án.
Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo các địa phương và sở, ngành để nắm tình hình thực hiện, việc giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm. Qua đó, kịp thời từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Riêng đối với nguồn vật liệu cát san lấp, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh giải pháp khai thác theo quy định, sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết cung cấp cát cho những công trình giao thông trọng điểm.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, kế hoạch khai thác, sử dụng cát năm 2024 của tỉnh là ưu tiên phục vụ công trình đường cao tốc. Do vậy, sẽ đưa ra đấu giá mỏ cát để phục vụ những công trình đầu tư công.
Trong bối cảnh cát khan hiếm, tỉnh sẽ tạo điều kiện, tăng cường cho nhập khẩu cát, ưu tiên cát san lấp để phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…