Đồng Tháp: Tạo sức bật mới đưa huyện Tam Nông phát triển kinh tế toàn diện
Tối 11/8/2023, huyện tam Nông, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức 40 năm ngày tái lập huyện Tam Nông (1983 - 2023).
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Thanh Sơn, Bí thư Huyện ủy Tam Nông cho biết, khi mới tái thành lập, dân số của Huyện khoảng 50.000 người, đến nay đã có 105.996 người/ 26.952 hộ.
Huyện Tam Nông có đủ đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, thế mạnh về kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch sinh thái. Có Vườn Quốc gia Tràm Chim rộng hơn 7.300 ha, là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới – Nơi lưu giữ giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái của Vùng và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái chung của Khu vực Đông Nam Á.
Từ vùng đất chua phèn hoang vu, gắn liền với 4 không: “không điện, không đường, không trường, không trạm” ngày nào, trải qua một hành trình dài 40 năm, vượt lên chính mình, với nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư của Trung ương, Tỉnh, bằng những quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và tỉnh Đồng Tháp, với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, cùng người dân Tam Nông làm nên sự thành công của Chương trình Đồng Tháp Mười, góp phần tạo nên mảnh đất tươi đẹp, đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Với chương trình khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, những dòng nước ngọt từ 50 tuyến kênh và ô bao đã tháo chua - rửa phèn, những tuyến đường dọc ngang đã hình thành mạng lưới giao thông thủy - bộ liên hoàn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, hòa quyện nếp sống văn minh đến với những nơi khó khăn nhất. Đặc biệt sau mùa lũ năm 2000, Huyện xây dựng được 33 cụm, tuyến dân cư để người dân yên tâm “an cư lạc nghiệp”.
Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công, tại thời điểm năm 1983, công nghiệp của Huyện không đáng kể, chủ yếu có hơn 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, với tổng giá trị sản xuất trên 11 triệu đồng. Đến năm 2023, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị sản xuất ước đạt đạt 3.879 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng so với năm 1995.
Về thương mại - dịch vụ, Huyện hiện có 234 công ty, danh nghiệp và 2.827 cơ sở. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2023 ước đạt 9.039 tỷ đồng, tăng 4.039 tỷ đồng so với năm 1995.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị được đặc biệt quan tâm thực hiện, các công trình thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, trung tâm học tập cộng đồng... được quan tâm đầu tư.
Trước mắt, Huyện sẽ thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra với mức cao nhất, trọng tâm: ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, số hóa trên các lĩnh vực, tiếp tục giữ ổn định và phát triển kinh tế, phấn đấu tăng giá trị sản xuất hằng năm hơn mức trung bình nhiều năm qua.
Tăng thu ngân sách trên địa bàn, huy động vốn đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng thành công huyện nông thôn mới hài hòa với phát triển đô thị, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công cách mạng, công tác giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” theo định hướng của tỉnh đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa biểu dương những thành tựu và nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Nông đạt được rất đáng tự hào, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong tình hình hiện nay, nhất là giai đoạn tới, với thời cơ và thách thức đan xen, để phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Nông cần phải thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, chủ động sáng tạo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh; chủ động tham mưu về quy hoạch và phát triển địa phương một cách toàn diện, đồng bộ với không gian chung của tỉnh.
Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024; chú trọng phát huy tinh thần “tự lực, tự chủ, tự quản” của người dân; nâng cao năng lực điều hành của hệ thống chính quyền; quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, kiến tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nguồn lực sức bật mới phát triển kinh tế toàn diện, biến Tam Nông thành vùng đất trù phú, thịnh vượng và đáng sống, đáng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp và du khách.