Đồng Tháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

ĐTO - Thời gian qua, kinh tế xanh trở thành xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, phát triển kinh tế xanh vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương nên quá trình triển khai và thực hiện phát triển kinh tế xanh đã đạt được hiệu quả bước đầu.

ThS. Nguyễn Văn Minh - Giảng viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp” do Liên hiệp Hội tổ chức

ThS. Nguyễn Văn Minh - Giảng viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp” do Liên hiệp Hội tổ chức

Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền kinh tế xanh

Theo Chương trình Môi trường của Liên hiệp Quốc năm 2011, kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người, đảm bảo công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế giảm phát thải khí carbon, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thực hiện. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp.

Quán triệt quan điểm của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Có thể nói, đây là Chiến lược Quốc gia đầu tiên, toàn diện đến lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, tạo tiền đề và căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện tăng trưởng kinh tế dựa trên nền kinh tế xanh. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Như vậy, có thể thấy rõ chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh với lộ trình bài bản và sự quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Là tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp rất quan tâm và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển du lịch, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 tăng 5,66%; quy mô kinh tế ước đạt hơn 109.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 68,4 triệu đồng (tương đương 2.861 USD).

Cùng với cả nước, Đồng Tháp đang tập trung thực hiện phát triển kinh tế xanh. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu chung là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014...

TS. Nguyễn Thị Phương - Giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp báo cáo chuyên đề “Lợi ích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp” do Liên hiệp Hội tổ chức

TS. Nguyễn Thị Phương - Giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp báo cáo chuyên đề “Lợi ích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp” do Liên hiệp Hội tổ chức

Phát triển kinh tế xanh theo hướng bền vững

Nhờ triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, bước đầu tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, sử dụng các thiết bị cảm biến tự động trong giám sát sâu rầy, tưới nước tiết kiệm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn. Kết quả, cơ bản đã giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh.

Thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đồng Tháp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề nhằm phổ biến kiến thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững”; “Lợi ích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp”; “Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán và người nông dân trên địa tỉnh về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thông tin về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18, năm 2024 - 2025

Thông tin về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18, năm 2024 - 2025

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh theo hướng bền vững, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xã hội về phát triển kinh tế xanh; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, giảm phát thải. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép, gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế xanh vào công tác xây dựng các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch đảm bảo thực hiện tăng trưởng xanh chung của tỉnh. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác liên quan đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; thu hút và tận dụng dòng vốn “xanh” từ đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy đầu tư cho phát triển kinh tế xanh, nhất là trong công việc thúc đẩy doanh nghiệp, người dân sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững...

Phạm Hòa

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xanh-124853.aspx