Đồng Tháp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 38-CT/TW), nhận thức của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực thi pháp luật về BHYT được nâng cao; chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) được nâng lên; tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức ngành y tế được cải thiện, người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi nhiều hơn, không có hiện tượng phân biệt đối xử với người tham gia BHYT. Qua đó, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao.
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh – Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết, để góp phần tổ chức thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, BHXH tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản thực hiện trích từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn như: hộ nghèo đa chiều, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của mỗi địa phương, đơn vị. Hàng năm, BHXH tỉnh chủ động ký kết nhiều chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, đối thoại về chính sách BHYT; phối hợp thực hiện tuyên truyền chính sách BHYT qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người lao động, của Nhân dân về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT; …
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 tổ chức ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với 627 điểm thu, 729 nhân viên thu; đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn đều có các điểm thu, đảm bảo thuận tiện cho người dân tham gia.
Chính sách BHYT là một phần quan trọng của hệ thống y tế, đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng; là chính sách an sinh xã hội quan trọng, góp phần bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, từng bước tiến tới BHYT toàn dân. Xuất phát từ tình hình đó, trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phát triển người tham gia và thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn huyện Tháp Mười luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện và sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của địa phương. Kết quả, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2014 đạt 55,18% dân số; giai đoạn 2015 - 2019 đạt 86,99% dân số; năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,32% dân số.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW trên địa bàn TP Sa Đéc, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách BHYT; nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT trong hệ thống an sinh xã hội ngày càng được nâng lên. Qua đó, số người tham gia BHYT tăng hằng năm: năm 2009 là 50.025 người, đạt tỷ lệ bao phủ 46,25% dân số; năm 2014 là 61.369 người (tăng 11.344 người so với năm 2009), đạt 58,76% dân số; năm 2019 là 93.157 người (tăng 43.132 người so với năm 2009), đạt 87,72% dân số; ước năm 2024 có 100.382 người tham gia BHYT, đạt 94,29% dân số.
Theo Sở Y tế, tỉnh có 24 cơ sở KCB với hình thức tổ chức là bệnh viện và 4 cơ sở KCB với hình thức phòng khám đa khoa. Cụ thể, tuyến tỉnh, có 10 bệnh viện (5 bệnh viện đa khoa và 5 bệnh viện chuyên khoa) và 6 bệnh viện tư nhân (trong đó có 2 bệnh viện chuyên khoa); tuyến huyện, có 12 cơ sở KCB, trong đó có 8 đơn vị có giường bệnh nội trú và 143 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc. Tất cả các cơ sở KCB đều đủ điều kiện thực hiện ký hợp đồng KCB thanh quyết toán BHYT cho người dân trên địa bàn.
Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua thực hiện cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng quan tâm thì kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT có chuyển biến rõ nét, quyền lợi của Nhân dân được đảm bảo. 15 năm qua đã đưa Đồng Tháp từ tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp trong cả nước (năm 2009 tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh là 44,32% dân số) trở thành tỉnh có tỷ lệ tham gia bền vững và cao hơn mức bình quân chung cả nước. Năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Đồng Tháp đạt 93,37%, vượt 0,62% chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ giao; ước năm 2024 có 1.500.159 người tham gia BHYT, tăng 802.778 người so với năm 2009, đạt tỷ lệ bao phủ là 93,75% dân số, tăng 51,87% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 38-CT/TW.
Cùng với kết quả bao phủ BHYT tăng nhanh, người dân đã ngày càng tin tưởng vào chính sách BHYT, số người sử dụng thẻ BHYT đến KCB tại các cơ sở KCB ngày càng tăng. Năm 2023, toàn tỉnh có 3.750.320 lượt KCB BHYT, tăng 31,21% so với năm 2009. Đặc biệt, các cơ sở y tế tuyến huyện đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Nếu năm 2009, số lượt KCB BHYT tại tuyến huyện là 944.180 lượt thì đến năm 2023 là 1.651.041 lượt, so với năm 2009, tăng 74,87%; chi thanh toán KCB BHYT tăng nhanh: năm 2023 là 1.183,5 tỷ đồng, tăng hơn 1.001,8 tỷ đồng so với năm 2009.
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, đồng chí Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, nhìn lại việc thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục phát huy kết quả, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tham gia BHYT toàn dân. Trước nhu cầu KCB ngày càng tăng, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế; tăng cường giải pháp đảm bảo cho quỹ BHYT, quản lý chặt các đối tượng để vận động tham gia BHYT bảo đảm đạt tỷ lệ cao, các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm tham gia BHYT đầy đủ cho người lao động…Bên cạnh tuyên truyền vận động, các ngành, các cấp phải chú ý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện pháp luật, chính sách về BHYT, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả… Ngành y tế, BHXH tỉnh phải chủ động tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các khó khăn, định hướng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ sát tình hình; có giải pháp ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong thực hiện BHYT…