Đồng Tháp: Tiếp xúc cử tri về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Phát huy vai trò, trách nhiệm, giải trình của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ cơ sở là những đề xuất, kiến nghị được cử tri quan tâm đóng góp cho ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức sáng 17/5.

Các cử tri tập trung đóng góp ý kiến một số điểm mới của Luật thực hiện dân chủ cơ sở; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp đã được đề cập như vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện: ở một số nơi chưa phát huy đúng mức; việc phát huy dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” một số nơi còn hình thức; một số quy định, cơ chế, chính sách về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được luật hóa, chưa có quy định chế tài để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ để gây cản trở trong việc triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư ở cơ sở; đề xuất cần phải nêu cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.

Ông PHAN VĂN HỢP – Giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh Đồng Tháp: “Phát huy vai trò nêu gương người đứng đầu,“nói đi đôi với làm”, nơi này nơi khác thực hiện chưa nghiêm túc, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự đoàn kết thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ; quan tâm tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt tôi cũng rất đồng tình xem xét, quá trình tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở nói chung”.

Cử tri đề nghị nên bổ sung thêm vấn đề khen thưởng; cần quy định việc xử lý hành vi lợi dụng dân chủ; bổ sung cụ thể về trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản của cộng đồng dân cư vì dự thảo luật chưa đề cập; đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp.

Ông TRẦN HOÀNG VŨ – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp: “Trong vấn đề thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tại doanh nghiệp, bên cạnh việc đối thoại còn thương lượng, từ thương lượng mới xây dựng được quy chế dân chủ ở cơ sở. Do đó, tôi thấy điều 47 này có thể bổ sung thêm nội dung đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp thì được thực hiện theo pháp luật người lao động. Tại vì 3 vấn đề này được quy định cụ thể tại chương 5 của Bộ Luật Lao động năm 2019”.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá cao các ý kiến đóng góp của cử tri đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát những vấn đề trong thực hiện để tiếp tục cho ý kiến trên tinh thần phát huy tính dân chủ, khi ban hành luật phải mang tính khả thi, tránh gây chồng chéo giữa các luật có liên quan.

Ông LÊ QUỐC PHONG – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Đặc biệt từ thực tiễn Đồng Tháp trong phát huy dân chủ người dân có điều gì chúng ta có thể luật hóa được. Cách chúng ta tiếp cận giải quyết những vấn đề thúc đẩy tinh thần làm chủ, tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân, tham gia những vấn đề của dân tại cơ sở thời gian qua chúng ta làm vậy có hiệu quả? Hay cách tiếp cận tạo ra không gian tiếp cận người dân như tổ nhân dân tự quản, hội quán, các loại hình sinh hoạt phát huy tinh thần làm chủ của dân, kinh nghiệm như thế nào tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện các công việc chung, trong đó người dân thể hiện vai trò chủ thể của mình”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp sẽ tổng hợp các ý kiến trên trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Thực hiện : Linh Có Hữu Bình

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dong-thap-tiep-xuc-cu-tri-ve-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so