Đồng Tháp xuất khẩu lô củ sen đầu tiên sang Nhật Bản
Lô sen của Đồng Tháp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với số lượng 15 tấn củ sen cấp đông với giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng.
Ngày 7/5, tại huyện Tháp Mười, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức công bố xuất khẩu lô củ sen chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, với việc xuất khẩu chính ngạch sen sẽ tạo điều kiện để sen Đồng Tháp tiếp cận thêm nhiều thị trường trên thế giới. Số lượng củ sen đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thị trường khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng mở ra cơ hội hợp tác, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Lô sen của Đồng Tháp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với số lượng 15 tấn củ sen cấp đông với giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 8 container với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng sẽ được xuất khẩu cho các đối tác tại Nhật Bản.
Là đơn vị xuất khẩu lô củ sen vào thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Thắng, Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt cho biết, để xuất khẩu được lô củ sen sang thị trường Nhật Bản doanh nghiệp đã đàm phán với các đối tác hơn 2 năm và đã được thị trường đón nhận.
Theo ông Thắng, để sen vào được những thị trường khó tính, doanh nghiệp đã chủ động liên kết với người dân để tạo ra mô hình kinh tế tuần hoàn từ cây sen, đảm bảo quy trình, kỹ thuật an toàn, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các đối tác nhập khẩu. Hiện nay, thị trường Nhật Bản mỗi năm cần khoảng 100.000 tấn củ sen, đây là dư địa lớn để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường và khẳng định giá trị ngành hàng sen.
“Sau sự kiện xuất khẩu đơn hàng đi Nhật Bản, vùng nguyên liệu trồng củ sen ở Tháp Mười tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận sẽ ngày càng được mở rộng hơn. Hiện tại vùng miền Tây đang có khoảng hơn 3.000 ha trồng sen, tuy nhiên trong đó diện tích trồng sen lấy gương là chủ yếu, diện tích trồng sen lấy củ khoảng 200 ha, con số này hiện tại vẫn hơi ít so với nhu cầu đối tác nước ngoài và thị trường nước ngoài đang cần”, ông Thắng cho biết.
Bà Ngô Thanh Thảo, hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười chia sẻ, người dân vui mừng khi giá trị từ cây sen được nâng lên. Việc xuất khẩu củ sen sang thị trường Nhật Bản đã làm đa dạng chuỗi giá trị từ cây sen, giúp nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
“Khí hậu và đất đai ở Tháp Mười phù hợp với giống sen lấy củ. Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác rất phấn khởi, khi trên địa bàn huyện có doanh nghiệp tiêu thụ củ sen. Nếu mọi thứ phát triển tốt, thời gian tới sẽ có nhiều hộ nông dân sẽ trồng sen lấy củ, góp phần phát triển kinh tế và đa dạng giống sen tại địa phương”, bà Thảo bày tỏ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Đoàn Thanh Bình, sen là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển du lịch. Đồng thời, sen cũng là một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay diện tích trồng sen của huyện Tháp Mười hơn 500 ha, chiếm khoảng 30% diện tích sen của Đồng Tháp, thu nhập từ trồng sen lên tới 45 triệu/ha/vụ. Ngoài ra, có nhiều sản phẩm OCOP từ sen đã xuất khẩu đi các thị trường.
Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cũng cho biết, lô sen xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lần này sẽ tạo điều kiện để sen của Đồng Tháp tiếp tục thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành hàng sen cần phải thực hiện liên kết bền vững giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bền vững, lâu dài.
“Xuất khẩu củ sen sang Nhật Bản là niềm phấn khởi, niềm tự hào của người dân trồng sen. Song để phát triển bền vững ngành hàng sen trong thời gian tới, rất mong nhận được sự đồng thuận từ các Sở, ngành, các DN, các HTX và các hộ nông dân trong việc duy trì chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu một cách bền vững”, ông Bình nói.
Với việc xuất khẩu lô sen sang thị trường Nhật Bản đánh dấu bước tiến cho sự phát triển của ngành hàng sen Đồng Tháp, mở ra cơ hội tiếp cận thêm nhiều thị trường quốc tế trong tương lai và khẳng định hướng phát triển ngành hàng sen của Đồng Tháp hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hóa xanh.