'Đóng thuế' đầy đủ cho mẹ chồng nhưng vẫn bị rêu rao 'ăn bám'

Nghe mẹ chồng nói thế thế, Phương bực tới tím tái mặt mày. Song cô cố nhẫn nhịn về phòng. Nhưng.

Sống chung với mẹ chồng tai quái, buộc nàng dâu phải lắm chiêu để đối phó. Đó là quan điểm của Thu Phương, một nàng dâu vừa trải qua chia sẻ.

Phương kể, trước khi lấy chồng cô đã nghe mọi người đồn thổi qua về cảnh sống chung với mẹ chồng vất vả, ngột ngạt thế nào rồi nên cô cũng chuẩn bị sẵn tâm lý. Ấy thế mà tới khi bước chân đi làm dâu, cô vẫn sốc lên sốc xuống vì không ngờ mình lại vớ ngay được bà mẹ chồng "chất ngất".

Mẹ chồng Phương là dân buôn bán nên bà tính toán, chi li từng đồng. Mà chồng Phương là con một nên sau cưới vợ chồng cô buộc phải sống chung với bà. Song tính bà thế, ở cùng nhà nhiều lúc cô cảm thấy bí bách tới ngạt thở. Có điều hoàn cảnh bắt buộc, cô đành phải chịu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tháng nào cũng thế, đúng mùng 2 Phương chưa mang tiền sinh hoạt xuống góp là kiểu gì bà cũng lên gõ cửa phòng từ 4, 5h sáng. Hai vợ chồng 1 đứa con nộp 6 triệu một tháng, chỉ ăn bữa tối, vậy mà thi thoảng bà lại bóng gió bảo: "Già rồi vẫn phải nuôi báo cô cả đống người".

Phương bảo những lúc ấy nghe bà nói cô ức chế chỉ muốn bật lại vài câu cho nhẹ lòng nhưng nghĩ thôi thì phận làm dâu, cứ nhịn đi tí cho yên cửa yên nhà.

Mà tính bà buồn cười lắm, vợ chồng Phương tiền đóng gạo góp đủ cả như thế nhưng cứ hết ga, hết gạo bà lại bảo con dâu mua, ma chay cưới hỏi trong họ vợ chồng cô lo hết nhưng bà vẫn than ngắn than dài với mọi người sống xung quanh đó là không nhờ vả được con cái.

Hôm ấy cũng thế, đi làm về ngang qua phòng khách Phương đã thấy mẹ chồng to nhỏ ngồi nói chuyện với hàng xóm: "Khổ lắm chị ạ. Người ta bảo già cậy con nhưng em ngần tuổi này đã nhờ vả gì được con cái đâu. Con trai, con dâu đi làm công ăn lương hết đó nhưng vẫn cái thân già này nuôi. Rời ra có chết đói cả lũ".

Nghe mẹ chồng nói thế thế, Phương bực tới tím tái mặt mày. Song cô cố nhẫn nhịn về phòng. Đêm ấy cứ nghĩ tới những lời mẹ chồng nói mà Phương lại nóng mặt không sao chợp mắt.

Phương nghĩ, có lẽ cứ nín nhịn mãi cũng không phải cách hay. Cô phải thể hiện thái độ cho bà biết mới được.

Vậy là sang tháng sau, đợi quá mùng 2 vẫn chưa thấy con dâu nộp tiền sinh hoạt, mẹ chồng Phương bắt đầu bóng gió nhắc khéo mà Phương cố tình bơ đi như không. Sốt ruột, bà lại gọi cửa phòng thì Phương nhẹ nhàng bảo tháng này chậm lương chưa có.

Đợi sang mùng 10 con dâu vẫn chưa đưa tiền, bà nóng ruột không đợi được thêm lại lên hỏi Phương lần nữa, lúc ấy cô mới bảo: "Con nghe thấy mấy người bảo mẹ kể với mọi người rằng mẹ toàn nuôi không chúng con. Hàng tháng vợ chồng con chẳng bao giờ gửi tiền sinh hoạt cho mẹ, trong khi thực tế, tháng nào con cũng tiền đóng gạo góp với mẹ đều như vắt chanh không thiếu một đồng nào cả. Vậy mà bây giờ con vẫn mang tiếng với cả khu phố là sống không biết điều, ăn bám mẹ chồng.

Không có lẽ đã mang tiếng thế rồi thì con sẽ sống đúng như lời đồn kia cho thiên hạ thỏa mãn buôn chuyện mẹ nhỉ".

Nhẹ nhàng nói rồi nhẹ nhàng chào mẹ chồng đi làm. Phương kể, nghe cô nói xong bà cứ nghệt ra đứng yên ú ớ.

Đến chiều đi làm về, Phương mới mang 6 triệu xuống gửi mẹ chồng. Cô vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng như mọi khi. Tuyệt nhiên không nhắc gì tới chuyện lúc sáng cô nói nữa.

Phương kể, sau lần ấy có lẽ mẹ chồng cô cũng phần nào hiểu được suy nghĩ, thái độ của con dâu nên tuy bà không trực tiếp giải thích hay nói lời xin lỗi với Phương song đổi lại bà thay đổi tính nết rất nhiều. Đặc biệt với chuyện tiền nong, bà không suốt ngày ca thán thiếu thốn, hay bảo con dâu đưa không đủ hoặc kể chuyện với hàng xóm láng riềng rằng vợ chồng cô ăn bám bà như trước nữa. Vì thế quan hệ mẹ chồng nàng dâu của Phương cũng được cải thiện đi rất nhiều.

Theo Hải Hương/Báo Tổ Quốc

Theo Hải Hương/Báo Tổ Quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/-dong-thue-day-du-cho-me-chong-nhung-van-bi-reu-rao-an-bam/20191105100906551