Dòng tiền các quỹ đầu tư quý I/2025: Lực rút ròng mạnh mẽ

Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua các tháng đầu năm đầy biến động, không chỉ ở diễn biến chỉ số mà còn ở xu hướng dòng tiền đầu tư, đặc biệt là từ các quỹ - một trong những lực cầu quan trọng cho thị trường.

Theo báo cáo định kỳ hoạt động các quỹ đầu tư từ FiinGroup, tổng giá trị rút ròng từ các quỹ đầu tư trong quý I/2025 lên tới gần 4.700 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ năm liên tiếp dòng vốn rút ròng khỏi các quỹ, cho thấy tâm lý phòng thủ vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường.

Theo bà Vân Đỗ - Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu, Khối Thông tin Kinh doanh, FiinGroup, trong bức tranh tổng thể, nhóm quỹ cổ phiếu là đối tượng chịu áp lực rút vốn mạnh mẽ nhất. Lũy kế quý 1/2025, các quỹ cổ phiếu bị rút ròng hơn 5.300 tỷ đồng, gấp đôi so với quý trước.

Đặc biệt, các quỹ ETF ngoại ghi nhận mức rút ròng lên tới 4.100 tỷ đồng, trong đó nổi bật là Fubon FTSE Vietnam ETF – quỹ lớn nhất đến từ Đài Loan – dù bản thân quỹ này vẫn đạt hiệu suất dương trong quý vừa qua. Không chỉ các ETF, dòng tiền cũng rút ròng mạnh khỏi nhóm quỹ đóng, với quy mô hơn 1.800 tỷ đồng.

Ngược lại, theo bà Vân Đỗ, các quỹ mở cổ phiếu phần nào giữ được sức hút dòng vốn, với mức vào ròng khiêm tốn 700 tỷ đồng trong quý I. Tuy nhiên, nếu so với mức bình quân hơn 3.300 tỷ đồng/quý của năm 2024, con số này cho thấy sức hấp dẫn của kênh quỹ mở đã suy giảm rõ rệt. Trong đó, điểm sáng hiếm hoi là Quỹ Cổ phiếu Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF) của Dragon Capital, dẫn đầu về thu hút dòng vốn ròng, tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ như MWG, CTG.

Đáng chú ý, sự thận trọng của các nhà quản lý quỹ còn thể hiện ở tỷ lệ nắm giữ tiền mặt. Trong tháng 3/2025, có tới 19/31 quỹ mở cổ phiếu gia tăng tỷ trọng tiền mặt so với tháng trước đó, đặc biệt nhóm quỹ quy mô lớn như Chứng khoán Năng động DC (DCDS) nâng tỷ trọng tiền mặt từ 5,3% lên 21,2%. Điều này cho thấy các nhà quản lý quỹ đang tỏ ra dè dặt trong việc giải ngân mới, họ chờ đợi thêm tín hiệu rõ ràng từ thị trường.

Bà Vân Đỗ cho biết, không chỉ nhóm quỹ cổ phiếu, những "thành trì an toàn" là quỹ trái phiếu cũng bắt đầu ghi nhận vết nứt. Sau chuỗi 12 tháng liên tục thu hút dòng tiền vào ròng trong năm 2024, tháng 3/2025 đã chứng kiến nhóm quỹ trái phiếu bị rút ròng nhẹ gần 100 tỷ đồng. Dù tính cả quý, dòng tiền vẫn vào ròng khoảng 358 tỷ đồng, nhưng con số này giảm rất sâu so với mức bình quân hơn 3.600 tỷ đồng/quý trước đây. Các quỹ lớn như TCBF, DCBF hay VFF đều ghi nhận dòng vốn rút, trong khi chỉ một số ít quỹ như Quỹ Trái phiếu An Bình (ABBF) duy trì được sức hút dòng tiền.

Bức tranh dòng tiền quý I/2025 phản ánh rõ tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư tổ chức, trong bối cảnh thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề từ các yếu tố bất định bên ngoài, đặc biệt là thông tin về kế hoạch áp thuế đối ứng từ Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu Việt Nam lên tới 46%. Chính yếu tố này đã kích hoạt đợt điều chỉnh mạnh trên thị trường, khiến VNINDEX giảm tới 16,9% chỉ trong hai tuần đầu tháng 4 và “thổi bay” thành quả của hầu hết các quỹ. Mặc dù chỉ số đã hồi phục ấn tượng +12,2% sau đó, tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn thiên về sự thận trọng.

Theo bà Vân Đỗ, với nhà đầu tư cá nhân, việc dòng vốn tổ chức rút mạnh trong quý vừa qua mang đến những hàm ý quan trọng. Thứ nhất, cần lưu ý rằng sự rút ròng từ ETF và các quỹ lớn có thể tạo thêm độ biến động cho thị trường, đặc biệt tại các mã vốn hóa lớn. Thứ hai, trong bối cảnh quỹ mở cổ phiếu vẫn thu hút dòng tiền, những cổ phiếu cơ bản tốt trong ngành ngân hàng, bán lẻ – như VCB, MWG, FPT – đang tiếp tục được ưu tiên nắm giữ và có thể là những điểm tựa tiềm năng. Thứ ba, việc tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của các quỹ tăng lên cho thấy áp lực giải ngân trong ngắn hạn sẽ không quá mạnh, nhà đầu tư cần kiên nhẫn và lựa chọn thời điểm giải ngân hợp lý.

"Nhìn chung, sự phân hóa đang trở thành đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn hiện tại. Nhà đầu tư không nên hoảng loạn trước các con số rút ròng, mà cần quan sát sâu hơn vào các dòng tiền chủ động, lựa chọn những mã cổ phiếu được ưu tiên tích lũy và sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi mặt bằng giá hấp dẫn được thiết lập", bà Vân Đỗ chia sẻ.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-tien-cac-quy-dau-tu-quy-i2025-luc-rut-rong-manh-me-163645.html