Dòng tiền cuối năm sẽ đổ vào đâu?
Vàng, lãi suất, bất động sản, trái phiếu hay chứng khoán, kênh đầu tư nào sẽ hút tiền đổ vào nhất trong quý cuối cùng của năm 2023?
Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư nên được xem xét nhiều nhất. Các đợt điều chỉnh vừa qua cho thấy mức giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn, đặc biệt phù hợp để đầu tư dài hạn.
“Sau COVID-19, hoạt động của phần lớn các doanh nghiệp đã ổn định trở lại. Dù vẫn còn có những khó khăn nhưng các dự báo về tình hình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp đều ở mức khả quan, tích cực. GDP dù tăng thấp hơn năm 2022 song vẫn ở mức khá, lạm phát được kiểm soát. Tất cả những yếu tố đó đều hứa hẹn về một tương lai sáng trong quý IV/2023 so với thời gian trước đó”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Dũng nhận định, với bối cảnh hiện tại, chứng khoán đang là một kênh đầu tư tất yếu của dòng tiền và nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi.
Ông Dũng cũng cho biết, thời điểm cuối năm sẽ là mùa đi gom cổ phiếu của rất nhiều nhà đầu tư. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu, bất động sản và vàng đang chững, trái phiếu vẫn còn nhiều hoài nghi và gây hoang mang đối với các nhà đầu tư thì dòng tiền có thể sẽ ưu tiên chứng khoán. Điều này đã được chứng minh từ những phiên hồi phục ấn tượng của thị trường từ giữa tháng 6 đến nay.
“Vấn đề của nhà đầu tư là cần xem xét lại năng lực tài chính, tỷ lệ đòn bẩy của mình có lớn hay không trong bối cảnh thị trường sa sút. Từ đó, nhà đầu tư cần cơ cấu lại vốn để tiếp cận kênh đầu tư một cách hợp lý nhất”, chuyên gia Nguyễn Dũng tư vấn.
Đối với kênh ngân hàng, từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng liên tục có các kỳ điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, mức giảm phổ biến là 0,2%/năm, một số ngân hàng còn giảm mạnh từ 0,5% đến 0,8%/năm…Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn. Theo đó, việc gửi tiết kiệm ngân hàng luôn mang lại lợi nhuận an toàn trong bối cảnh những rủi ro, bất định từ môi trường vĩ mô quốc tế vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về việc lãi suất gửi tiết kiệm đang có xu hướng giảm dần do các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc cơ cấu kênh gửi tiết kiệm, với kỳ hạn linh hoạt, phù hợp, để có thể nhanh chóng chuyển đổi sang các kênh đầu tư khác với tỷ lệ sinh lời cao hơn.
Đối với thị trường vàng, theo ông Hiếu, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư này tính từ đầu năm 2023 đến nay chỉ ở mức trung bình: “Vàng là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị thế giới, đặc biệt là vấn đề căng thẳng giữa Nga - Ukraine hiện nay. Căn cứ theo động thái của ngân hàng trung ương các nước, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế hiện nay thì kênh đầu tư vàng được cho là ít sinh lời nhất”.
Đối với bất động sản, chìa khóa cho lĩnh vực này vẫn phải là tín dụng và pháp lý. "Hiện nay, tăng trưởng tín dụng đang thiết lập mức thấp nhất so với cùng kỳ năm trong vòng 10 năm. Theo đó, tín dụng 7 tháng cho thấy kết quả tăng trưởng âm, khiến việc hạ lãi suất điều hành không còn nhiều ý nghĩa. Nếu tín dụng không thông thì bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Dù vậy, chuyên gia cho biết thêm, trong bối cảnh lãi suất đang giảm dần, Chính phủ bắt tay tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản thì tâm lý nhà đầu tư sẽ tích cực hơn. Do đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ dần hồi phục từ cuối năm 2023.
Đối với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong thời gian qua, các vụ việc trong lĩnh vực này cho thấy độ rủi ro lớn. Về dài hạn, đây có thể vẫn là kênh đầu tư đáng để khách hàng cân nhắc nhưng chỉ nên áp dụng với các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm trên thị trường tài chính.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dong-tien-cuoi-nam-se-do-vao-dau-ar815809.html