Dòng tiền đầu tư 'e dè' tìm về kênh tiết kiệm thời bão giá

Với nhu cầu tìm kênh trú ẩn để bảo toàn giá trị tài sản ngày càng tăng trong bối cảnh lạm phát cao, dòng tiền đầu tư dường như đang 'e dè' tìm đường trở về với kênh đầu tư vốn được đánh giá là an toàn – gửi tiết kiệm ngân hàng.

Trong hai năm qua, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cùng bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp và người dân có xu hướng tìm đến các loại tài sản rủi ro cao hơn như chứng khoán hay bất động sản. Nhưng dòng tiền đầu tư này nay đã chuyển động khác đi khi có thêm yếu tố lạm phát.

Thống kê chung cũng cho thấy vàng đang là kênh đầu tư có suất sinh lời tốt nhất từ đầu năm đến nay, nếu nhìn vào chỉ số giá vàng nội địa tăng 6,58% trong bình quân 7 tháng năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Xếp thứ hai về mức hiệu quả chắc hẳn là kênh tiết kiệm, với mức lãi suất huy động 6 tháng bình quân cũng dao động từ 5-,5%/năm. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư vào trái phiếu còn cho hiệu suất đầu tư ở mức dương, còn lại đều ở mức âm.

Trái ngược với người mua vàng hay gửi tiết kiệm, kênh đầu tư cổ phiếu từ đầu năm đến nay được xem là “thê thảm” nhất. Tính chung thì chỉ số VNI-Index giảm mức từ đáy gần nhất là khoảng hơn 20%. Nhưng trên thực tế, nhiều cổ phiếu giảm mạnh đến 50-70% kể từ mức đỉnh hồi quí 1.

Thị trường vàng nội địa biến động giá rất mạnh trong thời gian qua, nhưng vẫn duy trì mức chênh lệch rất lớn với thị trường vàng thế giới. Ảnh: L.Vũ.

Thị trường vàng nội địa biến động giá rất mạnh trong thời gian qua, nhưng vẫn duy trì mức chênh lệch rất lớn với thị trường vàng thế giới. Ảnh: L.Vũ.

Mức giảm này của VN-Index còn đồng thời “kích hoạt” định nghĩa về chu kỳ giá xuống (downtrend), khiến tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan. Dòng tiền đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân vì thế trở nên e dè hơn nhiều, trong bối cảnh thị trường quốc tế và trong nước có nhiều biến động lớn.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư đã chọn cách rời bỏ thị trường, “đóng bảng điện”, nhưng cũng có người cắt lỗ, đứng ngoài chờ đợi thị trường ổn định hơn rồi tham gia.

Tuy nhiên, một điểm chung dễ nhận thấy là số tiền trước đây dự định dành cho đầu tư, nay hầu hết được chuyển thành tài khoản tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động đang dần nhích tăng lên.

“Xu hướng của thị trường là đang dịch chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn. Trong đó kênh gửi tiền là hiệu quả hàng đầu từ đầu năm đến nay, vàng cũng được hưởng lợi, bảo hiểm cũng được xếp vào nhóm là kênh đầu tư an toàn”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư của Maybank Investment Bank nhận định.

Tương tự, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, lạm phát sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng tiền đầu tư, trong đó tác mạnh nhất lên thị trường chứng khoán vì lãi suất có xu hướng tăng, kéo theo chi phí vốn đầu tư cao hơn. “Khi lạm phát tăng thì các kênh mang lại thu nhập cố định như tiết kiệm, trái phiếu có xu hướng mang lại suất sinh lời tốt hơn”, ông Minh nói.

Trên thị trường bất động sản, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng giai đoạn dòng tiền dễ của thị trường bất động sản đã qua đi. Theo khảo sát của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, 90% nhà môi giới cho rằng, nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát, giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay… nhưng chỉ 53% tin rằng, các giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.

Thanh khoản thị trường bất động sản đang giảm sâu. Ảnh: L.Vũ.

Thanh khoản thị trường bất động sản đang giảm sâu. Ảnh: L.Vũ.

Chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân Phan Công Chánh nhìn nhận, dòng tiền nửa cuối năm đang có xu hướng chảy ngược về kênh tiết kiệm bởi cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng đang nóng lên.

Tuy nhiên, với bất động sản trong tâm lý người Việt thì vẫn là kênh đầu tư truyền thống và hấp dẫn trong dài hạn. Vì vậy những nhà đầu tư có tài chính bền vững vẫn cố gắng cân đối tỷ trọng giữa tiết kiệm và bất động sản một cách cân bằng, nhưng dưới góc độ đầu tư cán cân vẫn nghiêng nhiều hơn về tiết kiệm.

Khái niệm “tiền mặt là vua” đang dần trở lại trên thị trường vì ít nhất chúng mang lại dòng tiền dương, cũng như có sẵn nguồn vốn để tái đầu tư. Trong nửa đầu năm 2022, tiền mặt quyết định hiệu suất đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Một thống kê mới đây cho thấy, các quỹ đầu tư có hiệu suất đầu tư nằm trong nhóm tốt nhất thị trường, dù vẫn ở mức âm gần 7,4%, là nhờ đã bán hầu hết cổ phiếu sau sự cố của cổ phiếu FLC và trái phiếu Tân Hoàng Minh.

Nhiều nhà đầu tư chọn cách rời bỏ thị trường nhưng không rời bỏ chuyện đầu tư. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, tiền gửi giao dịch của nhà đầu tư tại top 10 công ty chứng khoán giảm 4.833 tỉ đồng (giảm 8,8% so với cùng kỳ) xuống còn 50.276 tỉ đồng vào cuối quí 2-2022.

Nguồn: Lê Quân

Nguồn: Lê Quân

“Số dư tiền gửi giao dịch giảm nhẹ và nhà đầu tư vẫn giữ một lượng tiền mặt lớn tại các công ty chứng khoán và sẵn sàng giải ngân khi có cơ hội”, VNDirect đánh giá.

Thống kê cũng cho thấy dòng tiền thực tế đang chạy dần về kênh tiết kiệm ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng lượng tiền gửi cá nhân tính đến thời điểm cuối tháng 5 lên đến hơn 5% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với nhiều tháng trước đây. Một thống kê sơ bộ khác từ báo cáo tài chínhvừa cập nhật của khoảng 20 tổ chức tín dụng, cũng cho thấy khoản mục tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 6-2022 tăng khoảng 4,9%.

Một diễn biến chính sách có liên quan khác là quy định được hưởng lãi suất tốt hơn khi rút tiền tiết kiệm trước hạn, có hiệu lực từ đầu tháng 8. Trước đó, như một lãnh đạo ngân hàng thương mại trụ sở TPHCM bình luận, chính sách này không chỉ mang lại lợi ích cho người gửi tiền, mà phần nào còn được kỳ vọng giúp dòng tiền tiết kiệm chạy ngược nhiều hơn về lại các nhà băng.

Với thái độ e dè và sợ hãi rủi ro, dòng tiền đầu tư trong thời gian tới sẽ chọn lọc điểm đến một cách thận trọng hơn, đặc biệt khi các biến số liên quan đến kinh tế thế giới vẫn chưa được xác định rõ ràng để từ đó định hình ra xu hướng mới. Thêm nữa, thị trường cũng đối diện với những điều chỉnh chính sách gần đây khiến vốn đổ vào thị trường thời gian tới sẽ có sự chọn lọc gắt gao hơn.

Ở kênh vàng, diễn biến giá lại là câu chuyện khó nói. Theo đại diện Yuanta Việt Nam, giá vàng bị tác động bởi rất nhiều yếu tố khác như yếu tố địa chính trị, diễn biến đồng đô la Mỹ nên biến động rất mạnh. Thực tế trong thời gian qua cho thấy không phải cứ lạm phát là vàng thế giới trở thành kênh trú ẩn an toàn, đó là chưa kể đến việc rủi ro liên quan đến chính sách quản lý giá vàng tại thị trường nội địa.

Nguồn: VNDirect

Nguồn: VNDirect

Còn trên thị trường chứng khoán, phần lớn các chuyên gia đều tin rằng chứng khoán sẽ phục hồi nhờ vào kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết tiếp tục ở mức cao, nhưng sẽ khó mà trở về mức sôi động như trước đó.

“Thị trường chứng khoán cuối năm sẽ khó có sự đột biến, ước tính thanh khoản mỗi phiên trở lại mức 18.000 tỉ đồng cũng là rất lạc quan. Lý do vì dòng tiền chảy vào ít hơn khi chi phí vốn đang dần tăng lên. Tiền sẽ chạy trở lại về tiết kiệm và có khả năng chảy vào trái phiếu, với kỳ vọng chính sách cho hoạt động phát hành trái phiếu được hoàn thiện và đi vào ổn định”, ông Minh đặt kỳ vọng.

Việc bỏ tiền vào cổ phiếu cũng sẽ trở nên thận trọng hơn. Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của VinaCapital, thị trường chứng khoán sẽ có sự phân hóa giữa giá cổ phiếu của các công ty có mức tăng trưởng thu nhập cao trội so với thị trường chung. Tổ chức này cũng vừa nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam hồi tháng 7, cũng như đưa ra kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm nay tiếp tục ở mức cao 20%.

Ảnh: L.Vũ.

Ảnh: L.Vũ.

Thị trường bất động sản thì đối diện với khó khăn kép về thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc và dòng vốn bị kiểm soát chặt. Dòng tiền lướt sóng đang có rất ít cơ hội khi thanh khoản của các loại hình bất động sản có dấu hiệu xuống thấp.

Thời gian mua vào và bán ra của bất động sản kéo dài hơn trước gấp nhiều lần và cũng không còn nhiều điều kiện để tạo sóng. Thị trường đang đạt trạng thái lý tưởng cho người mua để ở hơn là đầu tư.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng từ nay đến cuối năm 2022 là giai đoạn nhạy cảm của thị trường bất động sản do có nhiều biến số tác động trực tiếp đến hành vi mua bán tài sản.

Thứ nhất, giao dịch thị trường đang chậm lại, giá bán thứ cấp có xu hướng giảm nhẹ, nhất là ở vùng xa. Thứ hai, ngân hàng đang siết tín dụng bất động sản. Thứ ba, lãi suất vay có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Ảnh: L.Vũ.

Ảnh: L.Vũ.

“Nhà đầu tư bất động sản đang bước vào giai đoạn “tiền mặt là vua”, tiền sẽ tạm lưu trú trong tài khoản tiết kiệm để chờ cơ hội bắt đáy bất động sản vào những tháng cuối năm. Kể từ quí 4 người giữ tiền mặt có cơ hội ép giá đối với những tài sản cần bán gấp, mức giá có thể đàm phán giảm trong ngưỡng 20-30% và mức giá thị trường chấp nhận có thể giảm 15-20% so với giá chào”, ông Quang dự báo.

Theo quan sát của ông Khánh, hiện dòng tiền vẫn đổ vào chứng khoán nhưng tỷ lệ cũng không cao, tính thanh khoản giảm, trong khi thị trường bất động sản cũng đã phát tín hiệu giảm so với năm ngoái. Vì vậy, ông Khánh khuyến nghị các nhà đầu tư năm nay nên tập trung vào các kênh đầu tư mang tính an toàn nhiều hơn, nếu có tham gia thì chỉ tham gia một phần rồi cuối năm xem xét tiếp cho năm sau.

Nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm thay vì chứng khoán như trước. Ảnh: L.Vũ.

Nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm thay vì chứng khoán như trước. Ảnh: L.Vũ.

Song Dũng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-tien-dau-tu-e-de-tim-ve-kenh-tiet-kiem-thoi-bao-gia/