Dòng tiền F0 có khiến thị trường chứng khoán gặp nguy?
Kể từ quý II đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giữ vững được đà tăng nhờ vào dòng tiền của các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là các nhà đầu tư F0. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu nhóm các nhà đầu tư này rút tiền sẽ ảnh hưởng đến 'vận mệnh' của thị trường.
Theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), năm 2020 là một năm đầy biến động với cả thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam. Trong quý I, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 33% so với năm 2019 nhưng đã nhanh chóng phục hồi kể từ quý II, thậm chí đến nay đã “vượt mặt” nhiều thị trường trong khu vực cũng như thế giới.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm, vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP. Đáng chú ý, đà leo dốc của thị trường nhận được lực đẩy tích cực từ dòng tiền nội địa, nhất là lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường”, bà Bình cho biết.
Không cần lo cho nhà đầu tư F0
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), sau 2 tháng có lượng tài khoản mở mới dưới 30.000 đơn vị/tháng, các nhà đầu tư F0 đã quay trở lại trong tháng 9 với 31.418 tài khoản được mở mới. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 252.026 tài khoản, cao hơn 34% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 (180.000 tài khoản).
Không cần quá lo ngại về sự gia tăng của dòng tiền F0 (Ảnh: Int)
Việc nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng mở mới tài khoản cũng được cho là có tác động đáng kể giúp tăng thanh khoản và giúp thị trường đi lên. Khối lượng giao dịch trung bình trên 2 sàn HoSE và HNX trong 2 quý II và III tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ở thời điểm này, một xu hướng thấy rõ là nhiều nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, dầu khí, vật liệu xây dựng đang dẫn dắt thị trường. Thanh khoản tốt cho thấy có một lượng tiền rất lớn đang đổ vào thị trường chứng khoán trong 2 quý vừa qua”, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán VPS cho biết.
Tuy nhiên, chính sự “đổ bộ” mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0 lại khiến nhiều người không khỏi lo ngại về việc họ sẽ chịu nhiều rủi ro bởi thiếu kinh nghiệm, kiến thức đầu tư chứng khoán, và sẽ ra sao nếu các "tay chơi" mới đồng loạt quyết định rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán?
Về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia chứng khoán cũng như nhà quản lý đều cho rằng không cần quá lo ngại, bởi lẽ trong bối cảnh hiện nay thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Ông Bùi Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chia sẻ, so sánh với nhiều quốc gia khác, tỷ lệ nhà đầu tư tại Việt Nam còn rất thấp. Chẳng hạn tại Mỹ, 51% dân số có tài khoản đầu tư; tại các quốc gia ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, tỷ lệ dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán đều trên 20%.
“Lượng nhà đầu tư tuy có gia tăng, nhưng so với dân số vẫn rất thấp, chỉ mới đạt gần 3%. Trong số này, phần lớn đều là những người có khả năng chịu rủi ro, mà yếu tố đánh giá nhà đầu tư chuyên nghiệp chính là ở khả năng nhận định và chịu đựng được những biến động của thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Thị trường đang leo dốc bền vững
Theo bà Tạ Thanh Bình, một trong những điểm đáng lưu ý của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua là không chỉ phục hồi về điểm số, quy mô, mà còn thể hiện nội lực mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước.
Quan sát cho thấy, dòng vốn ngoại các năm trước có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn năm nay, chỉ số thị trường vẫn thẳng tiến dù động thái bán ròng của khối ngoại kéo dài kể từ đầu năm.
"Những năm trước, thậm chí chúng ta có thể đoán trước diễn biến của thị trường trong nước qua diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, nhưng năm nay diễn biến thị trường đã khác biệt, nếu không muốn nói là ngược chiều. Thị trường chứng khoán trong nước không còn phụ thuộc quá lớn vào khối ngoại, mà dựa chủ yếu vào nhà đầu tư trong nước, khẳng định sức mạnh của nội lực", bà Bình nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh cho biết, từ quý II đến nay, trên thị trường có hiện tượng khối ngoại bán ròng, nhưng khối nội mua ròng khiến thanh khoản tăng mạnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng và đang trên đà leo dốc bền vững.
Hiện, mặt bằng định giá của các cổ phiếu trên thị trường còn thấp, với P/E chỉ vào khoảng 16 lần. Dòng tiền đang luân chuyển tốt qua các nhóm ngành như ngân hàng (CTG, VPB, TCB,...), thép (HPG, HSG) hay nhóm chứng khoán, công nghệ,...
“Bản thân tôi cho rằng thị trường sẽ sớm quay lại mốc 990 - 1.000 điểm trong cuối năm 2020”, ông Khánh nhận định.
Đặc biệt, quan điểm của các cơ quan quản lý là tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế can thiệp “thô bạo”.
“Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững”, bà Bình cho biết.
Theo các chuyên gia, nhìn chung mọi vấn đề đều đang diễn ra khá thuận lợi đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhưng các nhà đầu tư vẫn cần có sự chọn lọc hơn, ưu tiên các cổ phiếu cơ bản.