Dòng tiền lạc quan, lấn át nỗi lo doanh nghiệp suy yếu

Không ít nhà đầu tư mường tượng rằng, bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2020 của nhiều nhóm doanh nghiệp niêm yết có thể kém hơn quý I, nhưng TTCK vẫn có diễn biến khả quan, tăng điểm 6/8 tuần gần nhất.

So với mức đáy hơn 4 năm xác lập cuối tháng 3/2020, VN-Index hiện có mức tăng 30%

So với mức đáy hơn 4 năm xác lập cuối tháng 3/2020, VN-Index hiện có mức tăng 30%

Quý II, dự báo sớm hiệu quả các doanh nghiệp

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhìn nhận, mặc dù hoạt động sản xuất và tiêu dùng đang dần hồi phục sau dịch, nhưng đa số ngành nghề, doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng giảm. Quý II sẽ chịu một số tác động nặng hơn quý I do biện pháp cách ly xã hội gần như hết tháng 4, còn tháng 5 khởi đầu chậm chạp do việc đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào cũng như đầu ra xuất khẩu chưa được khôi phục. Do vậy, thị trường sẽ có nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề và nhóm ít chịu ảnh hưởng.

Theo bà Quỳnh, trong các nhóm ít chịu ảnh hưởng, nhà đầu tư cần phải xem xét thêm yếu tố công ty, chỉ một số ít trong ngành, đặc biệt các công ty có tình hình tài chính mạnh, quản trị rủi ro tốt mới có khả năng hồi phục nhanh, chứ không phải tất cả các công ty trong nhóm ít chịu ảnh hưởng đều tốt như nhau.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư có thể quan tâm tới các ngành, lĩnh vực như điện, nước, tiêu dùng thiết yếu, vật liệu xây dựng (đón đầu cơ hội từ tăng đầu tư công và tích trữ nguyên liệu đầu vào giá thấp), phân bón (nhu cầu vẫn ổn định, trong khi chi phí đầu vào giảm), nhựa (giá nguyên liệu đầu vào giảm), ngân hàng (một số ngân hàng vẫn có khả năng tăng trưởng và thu nhập ngoài lãi sẽ bù đắp mức sụt giảm từ mảng tín dụng)...

Thống kê sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 4/2020 của một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy, nhóm cổ phiếu xuất khẩu ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan do đây là giai đoạn cao trào của dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu này có thể kỳ vọng phục hồi từ nửa cuối tháng 5 nhờ hoạt động thông thương hàng hóa xuất khẩu bắt đầu trở lại và điều này đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

Theo bà Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc của Công ty bắt đầu tăng dần trong tháng 5, ghi nhận mức hồi phục từ 60 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến phục hồi gần như hoàn toàn vào tháng 6, bù đắp sự sụt giảm đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đối với nhóm dược phẩm, vật liệu xây dựng và công nghệ thông tin, kịch bản lạc quan được duy trì khi các doanh nghiệp đều ít bị tác động bởi dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với ngành dầu khí, sự sụt giảm của giá dầu trong thời gian vừa qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy vậy, điều này đem lại tác động khá tích cực khi chi phí đầu vào của ngành nhựa, săm lốp, phân bón giảm mạnh, giúp cải thiện biên lợi nhuận. Theo đó, doanh nghiệp thuộc các ngành này có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan, dù doanh thu dự kiến tăng nhẹ, thậm chí giảm.

CTS dự báo, nhóm ngân hàng sẽ khó có thể duy trì được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ của giai đoạn 2018 - 2019. Tuy nhóm ngành này ít chịu tác động từ dịch bệnh so với các nhóm ngành khác, nhưng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hạ lãi suất cho vay, kéo dài thời gian trả nợ, hoãn nợ có thể ảnh hưởng đến việc ghi nhận thu nhập lãi của các ngân hàng. Bên cạnh đó, quy mô cho vay có xu hướng bị thu hẹp khiến thu nhập lãi từ các khoản cho vay và thu nhập từ các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng theo.

Báo cáo lợi nhuận quý I/2020 cho thấy một phần bức tranh kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp trên sàn và tình hình dự kiến khó khăn hơn ở quý II, là quý bị tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Một số ngành có thể chưa nhận thấy sự thay đổi ngay lập tức, nhưng về lâu dài sẽ ngấm từ từ theo đà suy thoái kinh tế qua những hành vi tiêu dùng, cách chi tiêu dự kiến thay đổi căn bản trong thời gian 1 - 2 năm tới.

Nhìn chung, hầu hết các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó đáng kể nhất là bán lẻ, hàng không, dệt may, thủy sản, vận tải… Những doanh nghiệp có đòn cân nợ càng lớn thì áp lực càng nhiều, nếu không sớm cơ cấu lại tài chính thì có thể bị áp lực kép. Tuy nhiên, cũng sẽ có những doanh nghiệp có khả năng đạt kết quả kinh doanh đột biến, như doanh nghiệp ngành viễn thông, tiêu dùng cơ bản, hay những doanh nghiệp có giải pháp chuyển đổi nhanh, để thích ứng với việc bán hàng mùa dịch.

Dù nhiều nhà đầu tư nhận định về bức tranh kém sáng của nhiều nhóm doanh nghiệp trong quý II, nhưng giá cổ phiếu trên sàn vẫn đang có diễn biến khả quan. Dự báo, sự phân hóa của từng nhóm cổ phiếu sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới, nhất là khi các doanh nghiệp chính thức công bố kết quả kinh doanh.

Dòng tiền có thể kéo dài sự lạc quan sang tháng 6

Chỉ số VN-Index đã có 3 tuần liên tiếp tăng trong tháng 5, nâng số tuần tăng điểm lên con số 6 trong vòng 8 tuần qua. So với mức đáy hơn 4 năm đã xác lập từ cuối tháng 3/2020 (650 điểm), chỉ số ghi nhận mức tăng 30%.

Đà hồi phục của TTCK trong tháng 5 đang phản ánh sự kỳ vọng của dòng tiền, trong đó có cả dòng tiền cũ và mới. Dòng tiền mới đổ vào thị trường trong tuần qua vẫn lớn khi thanh khoản bình quân đạt 4.493 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng trong phiên cuối tuần và tính chung cả tuần, lượng bán ròng ở mức thấp nhất so với chuỗi bán ròng trước đó. Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố khi dịch Covid-19 tại Việt Nam sớm được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại nhịp bình thường.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) nhận định, diễn biến khả quan của TTCK có thể kéo dài sang tháng 6, với sự kỳ vọng về khả năng hồi phục sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Xét xu hướng trung và dài hạn thì TTCK đang là kênh đầu tư hấp dẫn với nền lãi suất thấp khi Ngân hàng Nhà nước mới đây quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành lần thứ hai trong năm 2020 và lần thứ ba trong vòng 1 năm qua.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, đà tăng trong tháng 5 có thể coi là sự phản ứng của thị trường trước diễn biến tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mặc dù vậy, tác động của dịch bệnh đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn như hiện tại, vẫn không thể đo đếm được, do đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam khó có thể tránh khỏi áp lực trong những quý tới.

“Chúng tôi nghiêng nhiều hơn về kịch bản nhịp tăng chỉ số chung sẽ dần chậm lại trong tháng 6, mặc dù vẫn có một số cổ phiếu bứt phá nhờ luồng thông tin hỗ trợ từ mùa đại hội cổ đông đang diễn ra”, ông Hoàng chia sẻ.

Hiện tại, giá nhiều cổ phiếu đã hồi phục đáng kể so với thời điểm đầu năm và nhóm bluechip chỉ còn cách vùng đỉnh khoảng 10 - 15%, trong khi không ít cổ phiếu ghi nhận mức tăng 50 - 70% kể từ phiên đáy ngày 23/3. Chính vì vậy, áp lực chốt lãi luôn thường trực và mức độ phân hóa giữa các cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngày càng cao. Sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu một phần đến từ dự báo hiệu quả kinh doanh suy giảm của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2020, trong đó lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như đợt cách ly xã hội trong tháng 4.

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/dong-tien-lac-quan-lan-at-noi-lo-doanh-nghiep-suy-yeu-328684.html