Dòng tiền lan tỏa, cổ phiếu cao su tăng vọt phiên 12/3
Thị trường chứng khoán phồi phục tích cực, sắc xanh lan tỏa ra nhiều nhóm ngành; trong đó, đáng chú ý nhất là mức tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngành cao su.
Cổ phiếu cao su là tâm điểm khi GVR tăng kịch trần sau thông tin Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) muốn thoái vốn tại các đơn vị không nắm cổ phần chi phối.
Trong số các đơn vị này có Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP), do đó, SIP cũng tăng kịch trần.
Trên thị trường UPCOM, cổ phiếu VRG của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam tăng hơn 11%. Nhiều cổ phiếu cao su khác cũng tăng mạnh như DPR tăng kịch trần, TRC tăng 3,78%, PHR tăng 2,55%.
Sắc xanh chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, BID tăng 2,97%, CTG tăng 1,02%, TCB tăng 1,98%, LPB tăng 1,81%, EIB tăng 1,11%, OCB tăng 1,03%.
Cổ phiếu chứng khoán phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Cụ thể, SSI giảm 0,14%, VND giảm 1,31%, VIX giảm 3,09%, CTS giảm 0,41%, AGR giảm 1,42% nhưng VCI lại tăng 1,36%, HCM tăng 0,9%, FTS tăng 0,99%, BSI tăng 1,74%, VDS tăng 0,74%.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, VHM tăng 0,35%, BCM tăng 1,19%, VRE tăng 2,86%, NLG tăng 1,43%. Ở chiều ngược lại VIC giảm 0,45%, KBC giảm 0,31%, DXG giảm 1,41%, LGC giảm kịch sàn.
Cùng với nhóm cao su, cổ phiếu bán lẻ cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay. Cụ thể, DGW tăng kịch trần, FRT tăng 2,27%, MWG tăng 0,75%.
Chốt phiên 12/3, chỉ số VN-Index tăng 9,51 điểm lên 1.245 điểm, sau khi giảm mạnh ở 2 phiên trước đó. Khối lượng giao dịch đạt hơn 836,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 20.756,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 260 mã tăng giá, 200 mã giảm giá và 95 mã đứng giá.
HNX-Index tăng nhẹ 0,19 điểm lên 234,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 82,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.723,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng giá, 69 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,11 điểm lên 90,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 34,1 triệu đơn vị, tương ứng trên 502,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 140 mã tăng giá, 125 mã giảm giá và 99 mã đứng giá.
Thị trường tăng, nhưng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 213 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Nhận định xu hướng thị trường trong tháng 3, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, mặc dù xu hướng của VN-Index vẫn vận động tương đối tích cực, nhưng nhà đầu tư cần chú ý định giá thị trường đã sớm tiến gần tới vùng hợp lý và thị trường cần thời gian để kết quả kinh doanh cải thiện qua đó giúp định giá hấp dẫn trở lại; rủi ro tỷ giá cần được chú ý khi tỷ giá đã tăng 1,6% kể từ đầu năm và dần tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 24.867 VND/USD.
Vì vậy nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và thận trọng với các vị thế mua mới hoặc sử dụng đòn bẩy cao.
Một số yếu tố hỗ trợ trong tháng 3 bao gồm: Triển vọng kết quả kinh doanh quý I/2024 khá tích cực nhờ mức nền thấp của quý I/2023 và dòng vốn đầu tư có dấu hiệu lan tỏa từ nhóm ngân hàng sang các nhóm ngành khác như chứng khoán, thép, tiêu dùng… và chưa cho thấy tín hiệu dòng vốn đang rút khỏi thị trường.
VNDIRECT đang nghiêng về kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong quý II/2024 và có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, số liệu tích cực từ chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), FDI và tăng trưởng xuất khẩu đang củng cố cho kịch bản khả quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024.
Vì vậy, VNDIRECT cho rằng VN-Index có thể chạm mốc 1.350 điểm. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này không loại trừ khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể tăng mạnh hơn dự báo và qua đó giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực hơn. Khi đó thị trường chứng khoán có thể diễn biến tích cực hơn và vượt mốc 1.400 điểm.
VNDIRECT cũng cho biết, mặc dù hệ thống KRX đã bị chậm với kế hoạch vận hành vào cuối năm 2023, tuy nhiên các cơ quan quản lý đang nỗ lực để sớm đưa vào hệ thống vào vận hành nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường.
Hệ thống KRX vận hành không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới, cải thiện thanh khoản mà còn giúp thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch và hệ thống thanh toán bù trừ hiện nay, đây cũng là điều kiện cần để các tổ chức xếp hạng xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Nếu KRX đi vào vận hành trong nửa đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2024.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-tien-lan-toa-co-phieu-cao-su-tang-vot-phien-12-3/326380.html