Dòng tiền mất hút, chứng khoán bất ngờ tăng điểm vào cuối phiên

Dòng tiền tiếp tục sụt giảm trên thị trường chứng khoán dù VN-Index đã tiếp cận vùng hỗ trợ trung hạn và có thêm nhiều tín hiệu tích cực đến với nền kinh tế.

Thanh khoản xuống thấp

Trong phần lớn phiên giao dịch 11/10, thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm và sức cầu thấp, qua đó gây áp lực giảm giá trên diện rộng. Trong phiên sáng, trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) chỉ có khoảng 4.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.

Kết thúc phiên sáng 11/10, chỉ số VN-Index giảm hơn 3 điểm về ngưỡng 1.140 điểm. Thị trường nghiêng về phía bên bán với số lượng mã giảm giá cao khoảng gấp rưỡi so với tăng.

Thanh khoản đạt rất thấp, trên sàn HOSE, chỉ có khoảng 200 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá hơn 4.400 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng chỉ có khoảng 770 tỷ đồng.

Tới cuối phiên giao dịch ngày 11/10, thị trường bất ngờ quay đầu tăng giá. Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 7,12 điểm (+0,62%) lên 1.150,81 điểm. Thanh khoản trên HOSE tăng nhanh lên 12.194 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất thấp nếu so với ngưỡng tỷ USD trong thời gian sôi động cách đây khoảng một tháng.

Thời gian gần đây, thanh khoản luôn ở mức thấp, tụt áp, có lúc xuống chỉ còn 10.000 tỷ đồng/phiên. Các tổ chức giảm mua vào, tự doanh cũng thiên về hướng bán, trong khi đó khối ngoại bán ròng liên tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên và từ đầu năm đến nay bán ròng khoảng 9.000 tỷ đồng.

Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư được xem là yếu tố dẫn tới sự suy giảm thanh khoản trên thị trường chứng khoán sau khi giá cổ phiếu có giai đoạn 6 tháng tăng liên tục. Sự thận trọng gia tăng khi thế giới có nhiều bất ổn và kinh tế trong nước chưa khởi sắc như kỳ vọng.

Trước đó, nhiều đánh giá cho rằng, kinh tế cũng như chứng khoán Việt Nam ở chân của một đợt sóng tăng trưởng 10 năm phía trước.

Chứng khoán đảo chiều tăng vào buổi chiều 11/10, thanh khoản cải thiện.

Chứng khoán đảo chiều tăng vào buổi chiều 11/10, thanh khoản cải thiện.

Sự suy giảm của chứng khoán toàn cầu cùng với áp lực về tỷ giá, lạm phát tăng, và những bất ổn địa chính trị… cũng khiến cho dòng tiền đổ vào cổ phiếu không còn dồi dào.

Bên cạnh đó, những động thái ổn định tỷ giá và lạm phát thông qua các công cụ trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước khiến một số người lo ngại Ngân hàng trung ương Việt Nam có thể đảo chiều chính sách tiền tệ.

Những tín hiệu tích cực

Mặc dù thanh khoản suy giảm nhưng dòng tiền dường như vẫn sẵn sàng đổ vào bất cứ lúc nào để đón cơ hội khi lãi suất tiền gửi trên thị trường ngân hàng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Hệ thống ngân hàng vẫn phát đi những tín hiệu thanh khoản dồi dào, thừa tiền với lãi suất liên ngân hàng cũng như lãi suất tín phiếu ở vùng thấp kỷ lục, chỉ quanh 1%/năm.

Trong phiên giao dịch 11/10, giá trị giao dịch tăng mạnh trong buổi chiều. Nếu như buổi sáng chỉ có khoảng 4.400 tỷ đồng chuyển nhượng trên HOSE thì trong phiên chiều, giá trị chuyển nhượng gần gấp đôi so với buổi sáng.

Giới đầu tư đổ mạnh tiền vào buổi chiều trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước giảm mạnh theo giá thế giới. Chính phủ có cuộc họp bàn về giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán vào cuối giờ chiều. Bên cạnh đó là sự kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong một số nhóm ngành.

Dòng tiền có dấu hiệu len lỏi vào một số cổ phiếu nhỏ và tầm trung ở một số nhóm được xem là có cơ hội tốt vào cuối năm như xuất khẩu, đầu tư công và nhóm cổ phiếu thị trường hàng hóa.

Nền kinh tế gần đây đón nhận một số tín hiệu tích cực. Đầu tư công tính tới cuối tháng 9 đã đạt 363.000 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt ngưỡng 50%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn khá ổn định và được dự báo sẽ tăng. Theo Eurocham, Việt Nam vào Top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Thậm chí, 31% doanh nghiệp châu Âu xếp xếp Việt Nam vào Top 3.

Mặc dù kinh tế có những tín hiệu tích cực nhưng doanh nghiệp trong một số ngành, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chậm, hoãn trả nợ trái phiếu, chậm trả cổ tức và một số thậm chí phải đẩy mạnh bán tài sản để tái cơ cấu nợ.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đảm bảo nhiệm vụ chính là giữ ổn định lạm phát và tỷ giá. NHNN vẫn phải cân đối việc bơm hút tiền để vừa đảm bảo có tiền cho nền kinh tế, đồng thời phải kiếm soát không để tỷ giá, lạm phát leo thang theo những diễn biến bất lợi trên thế giới.

Nhiều công ty chứng khoán cũng đã điều chỉnh dự báo VN-Index vào cuối năm 2023 theo hướng giảm xuống.

Theo SSI Research, đà giảm của TTCK trong tháng 10 đã suy yếu, khi VN-Index tiệm cận vùng vùng hỗ trợ trung hạn 1.100 -1.110 điểm và đang trong trạng thái tìm vùng cân bằng ổn định.

Dù vậy, trong trung hạn, TTCK được đánh giá tích cực. Chứng khoán SSI cho rằng, với mức định giá P/E hiện ở mức 11,3 lần thấp hơn đáng kể mức 14 lần trung bình 5 năm. Mặt bằng lãi suất thấp là lợi thế cho kênh chứng khoán. Bên cạnh đó, nỗ lực thúc đẩy đầu tư công và các chính sách hỗ trợ tiêu dùng từ Chính phủ cũng là yếu tố nâng đỡ cho TTCK.

Những rủi ro về tỷ giá và lạm phát trong quý III/2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Một số quỹ đầu tư nước ngoài có đánh giá tích cực về chứng khoán Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital,…

Pyn Elite Fund gần đây đặt kỳ vọng vào việc nâng hạng TTCK Việt và dự báo VN-Index sẽ sớm trở lại vùng đỉnh 1.500 điểm.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-tien-mat-hut-chung-khoan-bat-ngo-tang-diem-vao-cuoi-phien-2200730.html