Dòng tiền mới vào thị trường từ nhiều nguồn, không chỉ riêng từ margin
Dù dư nợ cho vay ký quỹ (margin) vẫn tăng mạnh, nhưng thanh khoản thị trường còn đến từ nhiều dòng tiền mới khác. Dư nợ margin một vài công ty chứng khoán đã chạm trần, nhưng nhiều công ty cũng đã có phương án để tăng vốn chủ sở hữu, nhằm tăng năng lực cấp dịch vụ.
Dư nợ margin vượt mốc đạt 100 nghìn tỷ đồng
Trong quý I/2021, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập thị trường đến nay. Đặc biệt là gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những phiên giao dịch “tỷ đô”.
Đóng góp vào thanh khoản thị trường, bên cạnh nhiều dòng tiền mới, dòng tiền từ cho vay ký quỹ (margin) tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cũng liên tục tăng kỷ lục.
Trên cơ sở diễn biến thuận lợi của TTCK, kết quả hoạt động kinh doanh của quý I/2021 của các CTCK đã có sự tăng trưởng mạnh. Trong quý I/2021, 66/82 CTCK đang hoạt động có lãi, với tổng giá trị lãi là 5,453 nghìn tỷ đồng. Một số công ty có mức lãi nổi bật là CTCK Kỹ thương (674,328 tỷ đồng), CTCK SSI (528,128 tỷ đồng), CTCK VNDirect (482,495 tỷ đồng), CTCK Mirae Asset (471,722 tỷ đồng).
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ tại các CTCK là 80,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019. Đến cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương với tăng 53%. Con số này tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện nay.
Thông tin với phóng viên TBTCO, đại diện UBCKNN cho biết thêm, theo quy định hiện nay, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Một số CTCK đã chạm mức trần cho vay này. Tuy nhiên, “thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy có nhiều dòng tiền mới vào thị trường, không chỉ có dòng tiền từ margin”- đại diện UBCKNN nhấn mạnh.
“Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, trước diễn biến thuận lợi của TTCK, nhiều CTCK đã được đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu thông qua phương án tăng vốn và nộp hồ sơ lên UBCKNN đề nghị chấp thuận phương án tăng vốn” – đại diện UBCKNN thông tin thêm.
Đẩy mạnh minh bạch hóa hoạt động các công ty chứng khoán
Theo đại diện UBCKNN, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Chứng khoán mới. Theo đó, mảng hoạt động CTCK sẽ được tăng cường theo hướng minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh mà CTCK được phép thực hiện, cũng như điều kiện, thủ tục để được chấp thuận thực hiện.
Đồng thời, UBCKNN cũng tăng cường công tác quản trị công ty theo Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới, đặc biệt chú trọng đến CTCK hoạt động theo hình thức công ty cổ phần đại chúng, giảm thiểu yêu cầu đối với CTCK hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn.
Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ nâng cao yêu cầu quản trị rủi ro theo hướng hướng dẫn về quản trị rủi ro đã được nâng cấp lên ở cấp văn bản pháp quy (trước đây là văn bản hướng dẫn của UBCKNN) và tiếp tục hoàn thiện cách xác định chỉ tiêu an toàn tài chính phù hợp với tình hình mới.
Mặt khác, “hiện nay, cơ chế xử lý CTCK yếu kém đã tương đối hoàn chỉnh cũng sẽ góp phần đẩy nhanh việc xử lý CTCK không đáp ứng yêu cầu về an toàn tài chính, yêu cầu duy trì điều kiện cấp phép” – đại diện UBCKNN chia sẻ thêm./.