Dòng tiền quá yếu, VN-Index hồi nhẹ, cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn khỏe
VN-Index kết phiên hôm nay chỉ tăng 4,73 điểm, kém hơn mức giảm hôm qua. Chỉ số VN30-Index may mắn tăng -0,19 điểm. Tuy nhiên độ rộng thị trường vẫn rất tốt, đặc biệt nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng trần cả loạt. Tuần này thị trường hội tụ các giao dịch tái cơ cấu quỹ và đáo hạn phái sinh nên nhà đầu tư có lý do để thận trọng với nhóm blue-chips...
VN-Index kết phiên hôm nay chỉ tăng 4,73 điểm, kém hơn mức giảm hôm qua. Chỉ số VN30-Index may mắn tăng -0,19 điểm. Tuy nhiên độ rộng thị trường vẫn rất tốt, đặc biệt nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng trần cả loạt. Tuần này thị trường hội tụ các giao dịch tái cơ cấu quỹ và đáo hạn phái sinh nên nhà đầu tư có lý do để thận trọng với nhóm blue-chips.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt hôm nay không đủ mạnh để duy trì đà phục hồi bền vững. VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 1h58, vượt tham chiếu tới gần 12 điểm (+0,92%), vượt qua mức giá trung bình 20 phiên nhưng cuối phiên lại tụt xuống dưới ngưỡng này. VN30-Index thậm chí mất sạch mức tăng 0,85% trong phiên chỉ với 30 phút cuối.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ sót lại 3 mã tăng là GAS tăng 0,52%, TCB tăng 0,41% và VIC tăng 0,24%. Dù vậy nhóm blue-chips không hẳn là quá yếu, nhưng các mã mạnh nhất tập trung vào phân khúc trung bình: POW tăng kịch trần 6,81%, PLX tăng 2,76%, BVH tăng 2,48%, GVR tăng 1,8%, SSB tăng 1,34%, BCM tăng 1,13%. Trong nhóm tăng tốt nhất này, chỉ có GVR là vốn hóa khá lớn, đứng thứ 13 trong VN-Index.
Giao dịch yếu ở rổ VN30 một phần vì nhiều mã trong đó sẽ có hoạt động tái cơ cấu cuối tuần nên nhà đầu tư hạn chế hoạt động. Khối ngoại vẫn đang xả rất nhiều tại đây, tổng mức rút ròng khoảng 649,8 tỷ đồng trong tổng giá trị bán ròng trên HoSE là 655,7 tỷ đồng hôm nay. FPT vẫn là mã bị bán lớn nhất, -301,2 tỷ đồng ròng. Khối lượng xả của khối ngoại chiếm tới trên 60% tổng lượng giao dịch của cổ phiếu này và giá FPT giảm 0,62%. FPT bước sang phiên giảm thứ 4 sau khi đạt đỉnh lịch sử ngày 12/6 vừa qua. Ngoài FPT, VPB cũng bị bán ròng tới 105,7 tỷ đồng, VNM -78,1 tỷ, MWG -77,1 tỷ, HPG -63,4 tỷ, VHM -56,9 tỷ.
Điều khá bất ngờ là khi thị trường trượt dốc cuối phiên, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều mã vẫn duy trì sức mạnh khá ổn. Toàn sàn HoSE có 13 cổ phiếu kịch trần và duy nhất POW thuộc VN30. DGC xuất hiện kỷ lục thanh khoản hôm nay với 2,21 triệu cổ trị giá trên 1.730 tỷ đồng, giá tăng kịch trần. Phiên tăng hôm nay cũng đưa DGC quay lại đỉnh cao lịch sử tại mốc 130.000 đồng/cp. NTL cũng xác lập kỷ lục thanh khoản từ đầu năm với 150,2 tỷ đồng và giá kịch trần. TNH, ITD cũng khớp vài chục tỷ và giá tăng hết biên độ.
Ngoài nhóm mạnh nhất, VN-Index cũng có 94 cổ phiếu khác tăng từ 1% trở lên. TCM, TCH, DBC, HVN, DCM, CTD là các cổ phiếu khác khớp cả trăm tỷ đồng hom nay. Tính chung thanh khoản của nhóm tăng từ 1% tới kịch trần chiếm khoảng 30,2% tổng giá trị khớp lệnh toàn sàn HoSE. Đây là tỷ trọng khá lớn trong bối cảnh thanh khoản chung suy yếu. Cả sàn HoSE chỉ đạt 17.485 tỷ đồng, giảm 14% so với hôm qua. Mặt khác, khi VN30 kéo VN-Index trượt dốc khá sâu cuối phiên, các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giữ giá là biểu hiện mạnh mẽ.
Ở nhóm giảm, sức ép từ bên bán không cho thấy rõ rệt, hầu hết mới chỉ tạo nhịp trượt giảm ở vùng giá xanh và số ít thủng tham chiếu. Lúc VN-Index đạt đỉnh gần 2h chiều, độ rộng ghi nhận 306 mã tăng/114 mã giảm. Cuối phiên là 269 mã tăng/151 mã giảm, tức là cũng chỉ vài chục mã đổi màu giá. Trong số giảm, cũng chỉ có 46 mã rơi quá 1%, tập trung 10,5% thanh khoản sàn. HDG giảm 2,6% giao dịch 221,7 tỷ đồng; ELC giảm 2,11% với 105,4 tỷ; HAH giảm 1,79% với 272,2 tỷ; VND giảm 1,71% với 302,2 tỷ; MSB giảm 1,35% với 110,6 tỷ; EVF giảm 1,29% với 132,4 tỷ là đáng kể nhất.
Nhịp phục hồi yếu ớt của VN-Index hôm nay không phải là tín hiệu xấu dù về mặt kỹ thuật chỉ số này kiểm định không thành công ngưỡng trung bình 20 phiên. Các cổ phiếu blue-chips suy yếu là điều đã có từ trước. Ngoài ra khả năng duy trì “nhiệt” của dòng tiền đầu cơ tại các cổ phiếu vừa và nhỏ là điểm sáng, nhất là khi tạo được sự phân hóa, đem lại nhiều cơ hội giao dịch.