Dòng tiền quỹ ngoại còn e ngại khi vào thị trường chứng khoán Việt Nam, vì đâu?
Cuộc khảo sát được Quỹ đầu tư tư nhân A+ thực hiện với nhiều quỹ ngoại cho thấy 100% quỹ được hỏi đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tỷ lệ này trước đây chỉ là 40%.
Quan tâm nhưng còn nhiều e ngại
Năm 2022 chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của dòng tiền khối ngoại với giá trị giải ngân ròng đạt 29.238 tỷ đồng. Đây không chỉ là sự trở về của dòng tiền sau hai năm khối ngoại bán ròng kỷ lục, lần lượt 18.794 tỷ đồng (năm 2020) và 62.237 tỷ đồng (năm 2021). Hơn thế, khối ngoại giải ngân mạnh nhất ở thời điểm nhà đầu tư trong nước mất niềm tin, “quay lưng” với thị trường.
Phân tích về dòng tiền khối ngoại năm 2022 bên lề tọa đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên A+ Fund chỉ ra có phần khá lớn trong dòng tiền ngoại từ hoạt động quay vòng của các quỹ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như Dragon Capital, Vinacapital...
Chủ tịch quỹ A+ cho rằng, điều quan trọng hơn là kéo được tổ chức lớn về đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở vai trò đối tác và cũng là bên kết nối quỹ ngoại với các cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam, Quỹ A+ thực hiện khảo sát đối với nhiều quỹ ngoại ở một số nước và vũng lãnh thổ như Anh, Đức, Đài Loan, Mỹ... và thấy rằng 100% quỹ được hỏi đều đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ trước đây chỉ 40% quỹ ngoại quan tâm đến Việt Nam.
Cũng theo ông Hoàng, đối với các quỹ ngoại mà A+ đang làm việc, khi đề cập về thị trường Đông Nam Á, nhà đầu tư chuyên nghiệp quan tâm chủ yếu hai thị trường chính là Indonesia, Việt Nam, hay một số ít có quan tâm thêm đến thị trường Phillipines.
“Chưa quỹ nào qua 8 thành phố đánh giá bi quan về thị trường Việt Nam. Trong 28 năm kể từ khi về Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy cơ hội lớn như bây giờ. Các quỹ tôi nói chuyện cùng chung quan điểm khi cơ hội từ việc “reset” lại P/E trung bình cũng như P/E một số công ty. Dòng tiền rất muốn về Việt Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù có mối quan tâm lớn, vẫn còn những rào cản khiến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp e ngại trước quyết định rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Chủ tịch quỹ A+, điều các quỹ chứng khoán chuyên nghiệp lo ngại nhất nằm ở tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Một quỹ quy mô trung bình khi chọn vào thị trường Việt Nam có thể giải ngân vài trăm triệu USD. Như trường hợp quỹ nhỏ nhất tại Boston có quy mô 3,5 tỷ USD, trường hợp họ dành 10% để đầu tư thì quy mô danh mục đã là 350 triệu USD. Tuy nhiên, cái khó là không có sản phẩm để mua. Cổ phiếu nằm trong lựa chọn của quỹ đầu tư phải đáp ứng về tính thanh khoản tốt, trong khi chỉ số ít đáp ứng điều kiện như cổ phiếu trong nhóm VN30, VN50.
Một nguyên nhân có khả năng khác là nhà đầu tư còn chờ danh mục thị trường mới nổi (EM), thị trường cận biên để có sự phân bổ. Hay có những rào cản từ những yếu tố khá nhỏ cản trở quỹ chuyên nghiệp vào thị trường Việt Nam như việc tìm kiếm đối tác hay thủ tục mở tài khoản. Điển hình như tại Đài Loan, có quỹ rất quan tâm, nhưng do đã có tổ chức khác ở Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, nên họ cần tìm đối tác khác mà cũng cần đáp ứng yêu cầu tương xứng.
Nền tảng vĩ mô tốt, tiền chắc chắn sẽ về
Khó không có nghĩa không vào, ông Hoàng tin rằng, qua các đối tác như quỹ A+ sẽ dẫn dắt quỹ đầu tư quyết định giải ngân vào thị trường Việt Nam và tiền sẽ đổ vào rất nhiều vài năm nữa. Dự báo về năm 2023, ông Hoàng cũng được kỳ vọng dòng tiền khối ngoại khởi sắc.
“Với tăng trưởng kinh tế đạt được trong năm 2022 cùng nhận định về nền kinh tế Việt Nam tới đây, tiền chắc chắn sẽ về, nhưng quan trọng hơn là tiền về như thế nào và trong bao lâu là câu chuyện. Chúng ta không muốn dòng tiền nóng, chờ bắt đáy lãi 30% rồi rời bỏ mà muốn tìm nhà đầu tư gắn bó với thị trường Việt Nam.”, ông Hoàng cho hay.
Ông cũng cho rằng, không nên quan tâm số lượng quỹ, mà cần quan tâm loại nhà đầu tư, giá trị đầu tư. Giai đoạn năm 2006 - 2007, thị trường Việt Nam cũng đã có khá nhiều quỹ đầu cơ từ nước ngoài tham gia một phần cũng bởi thị trường khi đó nhỏ chưa thu hút được nhiều quỹ đầu tư. Trong khi điều Việt Nam mong đợi là tiếp cận quỹ dài hạn, với tầm nhìn 10-15 năm.