Dòng tiền trên thị trường chứng khoán cần thêm thời gian
Cùng với chu kỳ tăng trưởng về điểm số, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đã xác lập một mặt bằng mới trong quý III, đặc biệt là trong tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, thanh khoản đang có dấu hiệu chững lại và thu hẹp trong những phiên gần đây. Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn tìm lại điểm cân bằng mới nên cần thêm thời gian để dòng tiền trở lại.
Thanh khoản giảm mạnh vì tâm lý thận trọng
Thị trường chứng khoán trong nước duy trì đà tăng tích cực đến trung tuần tháng 9, sau đó giảm mạnh đến thời điểm hiện tại. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10/2023 chỉ còn 1.113,89 điểm, giảm tới -131,55 điểm (-10,6%) so với thời điểm chỉ số tiệm cận đỉnh cũ vào ngày 12/9/2023 (1.245,44 điểm). Tuy vậy, nếu tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index vẫn tăng gần 10% so với thời điểm đầu năm 2023, thậm chí hơn 25% so với thời điểm tạo đáy vào tháng 11/2022 (ngày 15/11/2022: VN-Index đạt 911,9 điểm).
Thanh khoản cũng diễn biến tương đối đồng pha với điểm số trên thị trường. Theo đó, thanh khoản bình quân toàn thị trường ở tháng 9 vừa qua đạt 26.782 tỷ đồng là mức cao nhất kể từ đầu năm và cũng cao hơn so với tháng 9/2021 (26.521 tỷ đồng - là năm thanh khoản thị trường bùng nổ). Cũng theo thống kê, thanh khoản bình quân ở quý III năm nay đạt 24.544 tỷ đồng, tăng 54,62% so với mức bình quân của quý II.
Tuy vậy, kể từ phiên ngày 28/9 cho đến tuần đầu tháng 10, thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước đã sụt giảm đáng kể, từ mức bình quân 21.600 tỷ đồng tuần cuối tháng 9 hiện chỉ còn 18.570 tỷ đồng ở tuần đầu tháng 10. Trong đó có phiên thanh khoản chỉ còn một nửa (13.600 tỷ đồng) so với mức cao nhất ở tháng trước.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia lý giải, thanh khoản sụt giảm từ ngưỡng bình quân “tỷ USD” có thể do tâm lý nhà đầu tư lo ngại việc thị trường xác nhận mô hình 2 đỉnh theo kỹ thuật. Với việc dự báo khả năng thị trường điều chỉnh thêm nên nhà đầu tư đã dự phòng kịch bản mô hình 2 đỉnh, do vậy dòng tiền đứng ngoài chờ đợi cho đến khi có dấu hiệu tạo vùng đáy mới” – chuyên gia này nói.
Theo ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong các phiên gần đây có nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý dè dặt của nhà đầu tư.
“Trong giai đoạn thị trường đi lên kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8, nhà đầu tư giao dịch sôi động khi có cảm giác cứ mua là thắng. Tuy nhiên, một vài phiên điều chỉnh sâu gần đây như lời cảnh báo với nhà đầu tư giai đoạn kiếm tiền dễ đã qua. Thêm vào đó, diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, động thái bán ròng ròng rã của khối ngoại, các lo ngại về lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, rủi ro lạm phát, tỷ giá trong nước và động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước cũng làm gia tăng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư” – ông Đức Anh lý giải.
Thị trường cần thêm thời gian để hồi phục thanh khoản
Theo nhiều chuyên gia, việc thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh trong giai đoạn này là điều cần thiết. Thị trường cần nhịp tích lũy để đi lên bền vững hơn sau đợt tăng khá mạnh và dài trước đây. Khi thị trường đi vào nhịp điều chỉnh hay tích lũy thì việc thanh khoản dòng tiền giảm cũng là hoàn toàn dễ hiểu vì thị trường giảm bớt tính hấp dẫn, nhất là dòng tiền đầu cơ thường đứng ngoài quan sát, chờ thời điểm.
“Thanh khoản sụt giảm phù hợp với kịch bản nhà đầu tư kỳ vọng thị trường tạo vùng đáy mới, thị trường cần thời gian để tích lũy. Dòng tiền chỉ giải ngân cho danh mục dài hạn và sức mua bền, trong khi dòng tiền đầu cơ tiếp tục đứng ngoài” – một chuyên gia nói với phóng viên TBTCVN.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), ở thời điểm hiện tại, sau khi đã giảm đáng kể về vùng hỗ trợ mạnh là đường trung bình động 200 ngày (MA200 ngày – quanh vùng 1.100 điểm) của VN-Index, thị trường đang có tín hiệu tạo lập một vùng cân bằng mới. Do đó, việc thanh khoản suy kiệt cũng là một yếu tố kỹ thuật đặc trưng cho một nền cần bằng mới đang được hình thành.
“Quá trình tích lũy biên độ hẹp có thể diễn ra và đó có thể là sự chuẩn bị cho một trạng thái hồi phục phân hóa trong thời gian tới để đón mùa kết quả kinh doanh quý III/2023. Trong thời gian tới, về mặt chính sách vĩ mô cũng có thể có thêm các điều tiết mới theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp… cũng là những yếu tố kích thích dòng tiền trở lại thị trường” – ông Ngọc nói./.
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc CSI:
Nhà đầu tư có lý do để thận trọng "xuống tiền"
Thời gian qua, thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh giảm chung cùng với sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Đây được cho là quá trình định giá lại của các thị trường sau những thông tin cập nhật chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc họ có thể duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian lâu hơn. Trước những diễn biến đó thì nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có lý do để thận trọng.
Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước cũng khởi động lại kênh hút tiền thông qua phát hành tín phiếu, điều này đã gây tâm lý lo ngại của giới đầu tư về việc liệu có hay không Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt chính sách trở lại sau khi đã có nhiều động thái nới lỏng thời gian trước như giảm lãi suất, mua ngoại tệ bình ổn tỷ giá và cung tiền ra hệ thống…
Như vậy, việc giới đầu tư thận trọng hơn trước những biến động của chính sách tiền tệ của FED và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng với xu hướng điều chỉnh giảm chung của các thị trường, khiến rủi ro giảm giá cao hơn là cơ hội sinh lờ. Tôi cho rằng, đó là những nguyên nhân khiến thanh khoản suy giảm đáng kể cùng với diễn biến của chỉ số thị trường.
Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và chiến lược đầu tư, KBSV:
Kết quả kinh doanh quý III có thể hỗ trợ tiền quay lại?
Trong trung hạn, thanh khoản thị trường sẽ phụ thuộc chính vào yếu tố mặt bằng lãi suất. Với kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ hoặc ít nhất đi ngang từ nay đến cuối năm, thanh khoản thị trường sẽ khó sụt giảm quá mạnh từ nền hiện tại.
Tuy nhiên, với các yếu tố rủi ro hiện tại, tâm lý thận trọng sẽ tiếp tục duy trì khiến thanh khoản nhìn chung sẽ không thể trở lại mức nền cao như từng được quan sát cách đây 1 vài tháng. Trước mắt, yếu tố kỳ vọng có thể thu hút dòng tiền là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III, nếu tích cực, sẽ là yếu tố hỗ trợ nhà đầu tư quay trở lại giao dịch sau khi nhiều cổ phiếu cơ bản tốt đã chiết khấu đủ hấp dẫn.