Đồng tình với các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo

Thực hiện kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng 5 dự án luật trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Ảnh: HOÀNG XUÂN

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Ảnh: HOÀNG XUÂN

Các dự án luật do Bộ Công an soạn thảo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đồng thời tạo cơ sở để phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn

Để đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết ban hành và nội dung, chính sách lớn trong các dự án luật, mới đây, Công an Phú Yên đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, lấy ý kiến đối với 5 dự án luật nói trên. Tham gia hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình về việc cần thiết ban hành các dự án luật, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện các dự án luật này. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh sẽ tập hợp báo cáo Bộ Công an để trình Quốc hội.

Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, qua 3 năm triển khai Luật CAND năm 2018, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Cụ thể, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động; việc thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác chưa cụ thể nên khó thực hiện trên thực tế; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND chưa phù hợp với thực tiễn… Đồng thời, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, làm nền tảng; do đó cần phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động.

Ông Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu ý kiến: “Việc xây dựng, ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa tương thích với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tăng tuổi phục vụ đối với người lao động; cơ bản bảo đảm tính khả thi. Các nội dung điều chỉnh của dự thảo luật cơ bản bảo đảm phù hợp với mục tiêu, quan điểm xây dựng luật, thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình hiện nay”.

Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã kịp thời cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những tồn tại, bất cập nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dân cư, thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Đây là vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là xu thế tất yếu, mang lại tiện lợi tối đa cho người dân trong cuộc sống hàng ngày, bớt thủ tục hành chính, bớt giấy tờ. Chỉ cần 1 tài khoản định danh điện tử là có thể lưu trữ được những thông tin cần thiết để phục vụ cho các giao dịch thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho rằng: “Những thay đổi và đề xuất bổ sung vào Luật Căn cước công dân năm 2014 cần tiếp tục được nghiên cứu và sửa đổi sao cho phù hợp nhất, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước tốt nhất, hỗ trợ cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động của mình một cách thuận lợi nhất”.

Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho chuyển đổi số. Ảnh: ĐOÀN THY

Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho chuyển đổi số. Ảnh: ĐOÀN THY

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Luật này cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Với Luật Giao thông đường bộ, sau gần 15 năm thực hiện, luật này cũng bộc lộ những hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay. Đặc biệt là thiếu nhất quán, đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật…

Việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là hết sức cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay: “Việc sửa đổi, bổ sung một số luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là rất cần thiết. Qua theo dõi tình hình, chúng tôi nhận thấy đoàn viên, hội viên và người dân mong muốn Bộ Công an tiếp thu những ý kiến đóng góp một cách cụ thể, chuẩn bị các nội dung một cách tốt nhất để khi trình Quốc hội thông qua sẽ được thống nhất cao, luật sớm đi vào cuộc sống”.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nói: “5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách trong tình hình thực tiễn hiện nay và cho những năm tiếp theo, xét đến cả những khía cạnh xã hội cũng như đảm bảo tính khả thi khi đưa luật áp dụng vào thực tiễn. Tôi tin rằng những dự án luật này sẽ được các ĐBQH, trong đó có Đoàn ĐBQH Phú Yên tiếp tục cho ý kiến góp ý và chắc chắn sẽ được thông qua cũng như nhận được sự đồng thuận cao”.

ĐOÀN THY - HOÀNG XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/350/298121/dong-tinh-voi-cac-du-an-luat-do-bo-cong-an-soan-thao.html