Đồng USD có thể mạnh đến mức nào khi ông Trump trở lại Nhà Trắng?
Ông Trump mong muốn đồng USD yếu đi để các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thêm lợi thế cạnh tranh. Nhưng thực tế, đồng bạc xanh đã vọt tăng sau khi ông tái đắc cử.
Sau 3 tháng liên tục suy yếu, giá USD bắt đầu tăng khi Phố Wall tin rằng ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Khi kết quả trở nên rõ ràng hơn, sức mạnh của đồng bạc xanh càng tăng vọt.
Một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng USD lên mức mạnh nhất trong nhiều năm so với rổ các đồng tiền lớn khác.
Đến nay, chỉ số USD Index đang dao động quanh ngưỡng 107 điểm, cao chưa từng có kể từ cuối năm 2022.
Đằng sau đà tăng của USD
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thường nhấn mạnh rằng ông muốn đồng USD yếu đi để các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thêm lợi thế cạnh tranh. Nhưng giới quan sát cho rằng kế hoạch áp thuế nhập khẩu và cắt giảm thuế của ông chủ mới Nhà Trắng sẽ có tác động ngược lại, theo New York Times.
Thực tế, xét trên khía cạnh sức mạnh chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, lợi ích từ việc đồng USD mạnh lên sẽ bị xói mòn nếu lãi suất và lạm phát gia tăng. Kịch bản này đã từng xảy ra khi đồng bạc xanh tăng vọt vào năm 2022.
Theo một số chuyên gia phân tích và đầu tư, kịch bản này có thể lặp lại, khiến sức mua thực tế của người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cục diện vẫn sẽ phụ thuộc vào việc các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có trở thành hiện thực hay không.
"Ông Trump sẽ trở thành động lực chính của đồng USD", New York Times dẫn lời chuyên gia phân tích ngoại hối Steven Englander tại Standard Chartered.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhấn mạnh về chính sách thuế quan toàn diện, tức áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Khi hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, người Mỹ sẽ tìm đến những lựa chọn thay thế trong nước.
Dẫu vậy, đối với những công ty sản xuất ôtô, mua phụ tùng từ nước ngoài, hay các doanh nghiệp may mặc đặt nhà máy rải rác trên khắp thế giới, việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ rất tốn kém và mất thời gian.
Do đó, ngay sau khi chính sách thuế mới được áp dụng, mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu nhập khẩu (được tính bằng đồng ngoại tệ). Điều này có xu hướng đẩy giá trị của đồng USD lên cao.
Hơn nữa, giá cả leo thang có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Khi lãi suất điều hành tăng cao, dòng tiền đầu tư sẽ chảy về nơi có lợi nhuận cao hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với đồng USD.
Nhưng thực tế, những biến động mạnh và liên tục của đồng bạc xanh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Bởi đồng USD được sử dụng trong gần 90% giao dịch ngoại hối trên thế giới. Các hàng hóa như dầu thường được định giá bằng USD.
Khi đồng bạc xanh mạnh lên, người Mỹ sẽ đi du lịch và mua hàng hóa nhập khẩu với mức giá rẻ hơn. Nhưng các công ty xuất khẩu của Mỹ có thể phải hứng chịu vì sản phẩm của họ trở nên kém cạnh tranh hơn.
Đồng USD mạnh hơn cũng sẽ thúc đẩy lạm phát tại một số quốc gia, gây ảnh hưởng đến các khoản nợ tính bằng USD, tạo áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.
Đồng USD có thể mạnh đến mức nào?
Trong báo cáo mới nhất, nhóm phân tích tại Barclays tin rằng đồng USD sẽ đắt ngang euro nếu ông Trump áp mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và 10% đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu khác.
Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đồng USD cũng đã tăng vọt sau khi ông đắc cử hồi 2016. Chỉ số USD tăng trưởng 5% tính từ ngày bầu cử năm 2016 đến cuối năm đó. Cùng với đó là cổ phiếu và lợi suất trái phiếu tăng cao.
Nhưng tình trạng bế tắc chính trị đã khiến đồng USD suy yếu khoảng 10% vào năm 2017. Tình trạng này diễn ra khi các chính trị gia không thể thống nhất về các quyết định quan trọng.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump bắt đầu trong bối cảnh tăng trưởng và lạm phát thấp. Lãi suất gần bằng 0 và đồng USD đi lên từ mức cơ sở thấp. Lần trở lại Nhà Trắng này, ông thừa hưởng một nền kinh tế rất khác.
Miễn là tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, lãi suất của Fed ở mức cao và niềm tin vào đồng bạc xanh còn vững chắc, USD sẽ tiếp tục được định giá cao.
Nhóm phân tích tại Socíeté Générale
Theo các nhà phân tích tại Socíeté Générale, giống như nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đồng USD có thể đạt đỉnh vào cuối năm 2024.
"Miễn là tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, lãi suất của Fed ở mức cao và niềm tin vào đồng bạc xanh còn vững chắc, USD sẽ tiếp tục được định giá cao", các chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng đồng USD sẽ khó tăng hơn nữa.
Một rào cản đối với USD là các biện pháp đối phó từ những quốc gia khác, điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng nội tệ, và hoàn toàn có thể lại một lần nữa áp dụng biện pháp này nếu đồng nhân dân tệ và yen suy yếu.
Hơn nữa, các chính sách của ông Trump về thuế và chi tiêu đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thâm hụt liên bang, phản ánh qua việc lợi suất trái phiếu kho bạc gia tăng.
Chính phủ Mỹ đang gánh khoản nợ lớn, trong đó Nhật Bản và Trung Quốc nắm trong tay khoảng 2.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu họ bán ra, nhu cầu đối với các tài sản của Mỹ sẽ suy yếu, đè nặng lên đồng USD.
"Hơn nữa, bất ổn địa chính trị trên toàn cầu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng và các tuyến vận tải. Tất cả những yếu tố này đều tác động lớn đến đồng USD. Cùng với đó là những sự kiện khó lường khi ông Trump lên nắm quyền", New York Times viết.