Đồng USD: 'Dò đáy' ở thị trường châu Á, phục hồi trong nước
Trong khi đang tiếp tục 'dò đáy' 5 tháng tại thị trường châu Á, đồng USD đảo chiều phục hồi ở thị trường trong nước.
Sau hành trình dài giảm giá, tới phiên 26/12, bất chất vàng đang khiến thị trường tài chính “náo loạn”, đồng USD vẫn đi lên với tốc độ khá mạnh.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá USD/VND đang được giao dịch ở mức: 24.111 đồng/USD – 24.450 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD, tương đương 0,21% ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá USD/VND được trao đổi ở mức: 24.120 đồng/USD – 24.420 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD, tương đương 0,17%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức: 24.132 đồng/USD – 24.472 đồng/USD, tăng 107 đồng/USD chiều mua vào, tương đương 0,45% và tăng 27 đồng/USD chiều bán ra, tương đương 0,11%.
Tại các ngân hàng thương mại, đồng USD có tốc độ đi lên đồng đều hơn khi tăng khoảng 50 đồng/USD.
Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), đồng USD được điều chỉnh tăng 54 đồng/USD chiều mua vào, tăng 53 đồng/USD chiều bán ra lên 24.146 đồng/USD – 24.453 đồng/USD.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) niêm yết tỷ giá ở mức: 24.138 đồng/USD – 24.468 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, tương đương 0,21%.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.870 VND/USD, giảm 25 đồng so với hôm qua. Tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 25.063 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.676 VND/USD.
“Dò đáy” 5 tháng ở thị trường châu Á
Đồng USD tăng mạnh trong nước nhưng lại “dò đáy” ở thị trường thế giới. Lúc này, tại thị trường châu Á, đồng đô la đang cố gắng tìm mức sàn trong phiên giao dịch ảm đạm giữa kỳ nghỉ lễ. Đồng USD bị áp lực bởi các dấu hiệu cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hạ nhiệt, điều này có thể sẽ tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng lãi suất vào năm tới.
Trong khi đó, đồng yên ổn định gần mức cao nhất trong 5 tháng gần đây nhờ triển vọng rằng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có thể sớm chấm dứt chính sách cực kỳ dễ dàng của mình. Trong phần lớn thời gian của năm 2022 và 2023, chính sách này đã khiến đồng tiền Nhật Bản chịu áp lực khi các ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu bắt tay vào chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ.
Biến động tiền tệ phần lớn trầm lắng vào ngày sau Giáng sinh, với các thị trường ở Úc, New Zealand và Hồng Kông vẫn nghỉ lễ Boxing Day.
So với đồng bạc xanh, đồng euro giảm 0,06% xuống còn 1,1019 USD, nhưng không quá xa so với mức cao nhất hơn 4 tháng là 1,1040 USD đạt được vào tuần trước.
Đồng bảng Anh ít thay đổi ở mức 1,2701 USD, trong khi đồng đô la Úc và New Zealand đang ở gần mức cao nhất trong 5 tháng gần đây.
Chỉ số đô la suy yếu gần mức thấp nhất trong 5 tháng là 101,42 đạt được vào tuần trước và cuối cùng là 101,65.
Dữ liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy giá cả ở Mỹ đã giảm trong tháng 11, lần đầu tiên sau hơn 3 năm rưỡi, đẩy mức tăng lạm phát hàng năm xuống dưới 3% và thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất từ FED vào tháng 3 tới.
Thông tin này được đưa ra một tuần sau khi các nhà hoạch định chính sách của FED mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất vào năm 2024 tại cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm của ngân hàng trung ương, một động thái khiến đồng đô la giảm giá.
Các nhà phân tích của Wells Fargo cho biết: “FED đã đạt được tiến bộ đáng kể về vấn đề lạm phát, khi tỷ lệ cốt lõi bắt đầu năm mới gần đạt mức 5% hàng năm, mặc dù công việc vẫn chưa hoàn thành trong việc đảm bảo lạm phát đi theo quỹ đạo bền vững hướng tới mục tiêu 2%”.
Ở châu Á, đồng Yên tăng 0,1% lên 142,20 mỗi đô la, thu hút thêm sự hỗ trợ từ các bình luận của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda, người đã báo hiệu khả năng thay đổi chính sách.