Đồng USD mạnh sẽ duy trì đến bao giờ?
Theo trang mạng Commercial Times của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 6/10, USD là đồng tiền mạnh trên toàn cầu hiện nay, nhưng xu thế này sẽ duy trì đến khi nào?
Ngày 26/8, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có bài phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương toàn cầu với ba trọng điểm.
Ông khẳng định lại rằng ổn định giá cả là trách nhiệm của Fed, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn xu hướng dài hạn trong một thời gian và chính sách tiền tệ thắt chặt cần phải kéo dài hơn nữa.
Tiếp đó, ông Jerome Powell nhắc đến ba bài học lịch sử. Thứ nhất, theo kinh nghiệm của thập niên 1970-1980, Fed cần đạt được mục tiêu giá cả ổn định và thấp.
Thứ hai, kỳ vọng đối với lạm phát tương lai sẽ ảnh hưởng nhất định đến lộ trình lạm phát tương lai, cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker từng nói rằng: Một phần nguyên nhân của lạm phát nằm ở bản thân của nó, do đó muốn đưa nền kinh tế quay về trạng thái ổn định hơn, năng suất cao hơn, thì một phần công việc là phải thoát khỏi ràng buộc của kỳ vọng lạm phát. Thứ ba, chính sách thắt chặt tiền tệ cần phải tiếp tục kiên trì cho đến khi lạm phát ổn định.
Sau bài phát biểu, tuyên bố "tránh để người dân Mỹ hình thành kỳ vọng lạm phát" có liên quan của ông Jerome Powell đã khiến thị trường hối đoái toàn cầu một lần nữa xác nhận quyết tâm "diều hâu" và cường độ tăng lãi suất của Fed, kể từ thời điểm đó đồng USD đã thể hiện xu thế tăng giá mạnh so với đồng tiền của các nước khác, được thể hiện qua sự lao dốc của đồng euro, bảng Anh và yen Nhật Bản so với đồng bạc xanh.
Tình hình kinh tế hiện nay có hai nhân tố bất lợi bên cạnh việc định hình xu hướng đồng USD mạnh. Thứ nhất, cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra khủng hoảng khí đốt tự nhiên, tác động mạnh đến các nước châu Âu, trong khi Mỹ chịu ảnh hưởng khá nhỏ do có nền tảng ngành công nghiệp dầu đá phiến. Điều này khiến cho đồng USD chuyển sang xu hướng mạnh do nhu cầu phòng tránh rủi ro, trở thành "đồng tiền trú ẩn an toàn".
Thứ hai, kinh tế Trung Quốc, châu Âu suy giảm ảnh hưởng lớn đến các thị trường mới nổi, tăng trưởng kinh tế bị tổn hại, nhưng lại ảnh hưởng khá nhỏ đến Mỹ.
Điều đó thúc đẩy dòng tiền hướng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là khi từ đầu năm đến nay, Fed đã liên tục tăng lãi suất lên mức hiện nay là 3-3,25%. Fed dự kiến đến tháng 11 và 12 sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất, khiến mặt bằng lãi suất cao hơn nhiều nước.
Nhà đầu tư có thể sẽ chất vấn: Tại sao Fed hăng hái tăng mạnh lãi suất? Lẽ nào không sợ nền kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng"? Lý do Fed tăng mạnh lãi suất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng cao, đặc biệt là CPI lõi vẫn tiếp tục gia tăng.
Trên thực tế, CPI của Mỹ đã thể hiện xu hướng tăng trong năm 2021, nhưng Fed nhận định sai lầm đó là hiện tượng ngắn hạn, nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh, không cần sử dụng chính sách thắt chặt.
Tuy nhiên, nhận định sai lầm này đã khiến giá cả tăng cao trong năm nay. Chẳng hạn, chỉ số CPI tháng 6/2022 đạt mức 9,1%, mặc dù giảm xuống còn 8,3% trong tháng 8/2022, nhưng CPI lõi lại tăng từ mức 5,9% trong tháng 7/2022 lên 6,3% trong tháng 8/2022.
CPI lõi tăng không bao gồm năng lượng và lương thực, do đó lạm phát của Mỹ không thể đơn giản có nguyên nhân xuất phát từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tiếp đó, niềm tin ủng hộ Fed tăng lãi suất cũng xuất phát từ việc thị trường lao động Mỹ không đáp ứng đủ cầu. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7/2022 tại Mỹ là 3,5%, tháng 8/2022 là 3,7% có thể nói là mức thấp trong lịch sử. Bên cạnh đó, số lượng vị trí việc làm trống đạt mức cao lịch sử 12 triệu đơn vị và số người nhận trợ cấp thất nghiệp cũng đang giảm xuống.
Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hai quý đầu năm của Mỹ đều âm (-1,6% và -0,6%), nhưng chủ yếu là do giá cả tăng cao, chứ không phải do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa không tăng trưởng.
Vậy tại sao chỉ số CPI của Mỹ tăng lên mức cao? Ngay từ đầu năm, mọi người luôn nhấn mạnh giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, sau khi giá dầu có xu hướng giảm và duy trì ổn định trong nửa cuối năm, giá cả của Mỹ vẫn không giảm nhiều.
Một trong những lý do là thành phần chủ yếu trong chỉ số CPI của Mỹ là giá nhà và giá thuê nhà, chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng (QE) dài hạn và quy mô lớn của Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá tiếp tục tăng.
Trước "cơn sóng thần tài chính" năm 2008, bảng cân đối kế toán của Fed khoảng 1.000 tỷ USD, ba gói QE sau đó đưa quy mô này tăng lên 4.000 tỷ USD vào năm 2018 và phình to lên 8.900 tỷ USD sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020.
Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ giảm khiến tiền lương tăng lên, dẫn đến giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ gia tăng và cuối cùng giá không thể giảm.
Tóm lại, xu hướng đồng USD mạnh sẽ kéo dài đến khi nào? Muốn trả lời câu hỏi này phải quan sát xem ba hiện tượng dưới đây có xuất hiện hay không. Đầu tiên, chỉ số giá nhà và giá thuê nhà của Mỹ có ngừng tăng hoặc giảm xuống hay không?
Thứ hai, tỷ lệ tăng theo năm của chỉ số CPI tiêu dùng có tiếp tục giảm, hướng đến mục tiêu dài hạn của Fed hay không, đặc biệt là tình hình CPI lõi. Thứ ba, việc tăng lãi suất có gây ra suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hay không?
Khi những hiện tượng này được thể hiện rõ ràng, Fed sẽ đảo ngược xu hướng từ tăng sang giảm lãi suất, đó chính là điểm cuối của làn sóng đồng USD mạnh lần này./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-usd-manh-se-duy-tri-den-bao-gio/261679.html