Đồng Văn - hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
BHG - Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, những năm qua, từ các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện Đồng Văn đã ban hành nhiều chương trình, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH.
Những năm trở lại đây, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; hỗ trợ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và gia tăng giá trị. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện Đồng Văn đã ban hành các chính sách hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ người dân trồng cây Sâm khoai, chuyển đổi đất sang trồng rau chuyên canh, cây Tam giác mạch và triển khai chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò. Qua triển khai thực hiện các chính sách, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện hỗ trợ trồng được 50 ha cây Tam giác mạch, với tổng số tiền hỗ trợ trên 300 triệu đồng; hỗ trợ trồng gần 90 ha rau chuyên canh, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; trên 30 ha cây Sâm khoai với tổng số tiền hỗ trợ 150 triệu đồng. Đối với chương trình hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò, đã thực hiện thành công 1.000 con bò, với tổng số tiền hỗ trợ 250 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong huyện còn thực hiện hỗ trợ chuyển đổi 146 ha ngô kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, kết quả sau khi chuyển đổi diện tích cho thu nhập cao từ 4-12 lần so với trồng ngô.
Cùng với các chính sách, huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung hỗ trợ thông qua nhiều hình thức để người dân tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về các định hướng mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định và bền vững; vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp đối với phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 14 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực đạt 28.000 tấn; tổng đàn gia súc đạt gần 79 nghìn con… nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực.
Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Xác định nông nghiệp là một trong những “trụ cột” quan trọng để thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững. Những năm qua, từ thực tiễn tại địa phương, huyện đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, những chính sách hỗ trợ này đều đạt được những kết quả tích cực, trong đó có chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò được đánh giá cao. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó tích cực ưu tiên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi cây ngô sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; thúc đẩy phát triển các cây, con đặc trưng, thế mạnh.