Đồng Văn… nhớ!
Những ngày cuối năm, khi sương giăng mờ bảng lảng trên vạt hoa và hàng cây trước cửa, không dưng lại nhớ những cung đường Hà Giang năm trước.
Điểm đến Hà Giang được gợi tới tình cờ khi một người bạn nói rằng sắp có chuyến đi công tác lên đó, rủ lên thăm núi, ngắm hoa Đào, hoa Mận, hoa Tam giác mạch và xem cái Tết của người Mông. Lời rủ nghe vừa xa xôi vừa hấp dẫn; vẫn mơ được đi khắp các nẻo đường Tổ quốc, muốn được đặt chân đến mọi cung đường - và nơi địa đầu thăm thẳm ấy chợt gần lại trước lời hẹn thân thương!
Công việc bộn bề và dồn dập, vẫn cố sắp xếp để thử xem những nét văn hóa cổ truyền có còn như trong hình dung, tưởng tượng; cũng là một dịp mở mang bao điều ngoài sách vở rồi về kể lại cho học trò những điều mắt thấy, tai nghe.
Gần đến ngày đi, nghe tin sắp mưa và rét đậm, xe lại không tiện nhưng vẫn quyết tâm lên đường. Không hiểu có điều gì âm thầm thúc giục .
Vượt qua quãng đường mấy trăm cây số, đặt chân đến bến xe thành phố lúc 3 giờ sáng; những chiếc xe khách run run trong sương và trong gió, lòng người cũng chộn rộn cảm giác bắt gặp hơi vị núi rừng giữa phố, hoang mang và lạ lẫm. Rồi chuyến xe lúc 5 giờ thẳng tiến Đồng Văn - mảnh đất vừa hôm qua còn rất lạ và xa, giờ đang đến gần theo những vòng xe lặng lẽ. Xe đi trong màn sương dày, vượt núi vượt đèo và vượt cả những choáng ngợp lần đầu bắt gặp, gần sáng mà trên đường vẫn ngỡ nửa đêm. Tưởng như đang từ thế giới này xuyên qua thế giới khác, giữa những âm âm và rợn ngợp. Khi tang tảng và nhìn rõ mặt người cũng là lúc được thưởng thức món phở Tráng Kìm trứ danh – món ẩm thực Hà Giang đầu tiên trong đời. Không nhớ có ngon và đậm đà như nghe kể, chỉ thấy một nét gì đó “rất Hà Giang”.
Rồi Đồng Văn cũng hiện ra trước mắt, nhỏ bé và đơn sơ trong cơn mưa bụi, báo hiệu một trận rét đậm. Dự định thuê xe máy để phượt những cung đường trên cao nguyên mà sau quãng đường hơn trăm cây số từ thành phố đến nơi này khiến mọi thứ chùn lại. Thậm chí, khi đã thuê taxi mà có người vẫn cản khi biết ý định lên Cột cờ Lũng Cú: Thời tiết này lên đó vất vả lắm và không nhìn thấy gì đâu… Nhưng mặc mưa và rét, lẽ nào lại dừng bước trước nơi đánh dấu chủ quyền biên giới thiêng liêng phía Bắc, khi mà chỉ cách một quãng đường? Quả thật không hề đơn giản khi leo lên đến tận cùng để cảm nhận sức gió và sắc cờ nơi biên giới, nhưng đến nơi, lòng trào dâng bao cảm xúc thiêng liêng và rung động khi đứng giữa bao la, vời vợi. Chạm tới cực Bắc rồi lại ao ước chạm tới cực Nam, Đông, Tây để hoàn thành một vòng tròn của đất mẹ yêu thương!
Mỗi cung đường lại gặp nỗi cheo leo, lại ngỡ ngàng với sương, với mây trời và đá núi. Dã quỳ đã cạn mùa, chỉ còn chơ lại vài vạt nhỏ xác xơ, buồn ngơ ngẩn… nhưng chiều cao nguyên chợt rực lên ấm áp khi đến Sủng Là ngập tràn màu vàng của cải. Cải tràn trên những bãi rộng bên đường, cải miên man đến chân dải núi mờ xa, thổn thức trong gùi nhựa của những em bé còi cọc, môi tái đi vì lạnh. Sao ánh mắt những người dân Đồng Văn bắt gặp đều ẩn những nỗi buồn xa vắng, buồn đến nao người như cô gái ở “nhà Pao”. Những dây củ cải đỏ treo lơ lửng bên hiên cũng không xua nỗi gì như đá nứt, sông trôi trong một chiều Đông xám ngắt. Nỗi niềm ấy dai dẳng đến tận nhà Vương - dinh thự vua Mèo. Không có người thuyết minh, chỉ có những câu chuyện của người đồng hành am hiểu dội về cùng những tấm biển ghi chú nhỏ nhoi nơi bậc thềm, góc cửa. Lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng nơi ở, nơi làm việc của một người tối cao ở chốn tận cùng sâu thẳm; bao ngỡ ngàng, bao dấu hỏi cứ lửng lơ… Nghĩ đến kiếp người, đến yêu thương và danh vọng… rồi cũng như phù hoa trôi về cuối trời, thời gian phủ bụi dày lên cả những điều tưởng là lớn lao, kì vĩ.
Sáng sớm, háo hức với chợ phiên, háo hức ngắm những phản thịt lợn đỏ au, những tảng mỡ dày gấp 3 - 4 lần mỡ lợn dưới xuôi, những thúng xôi ngũ sắc dính, thơm mới nhìn đã thấy vị dẻo mềm nơi đầu lưỡi. Và thú vị nhất khi được tận mắt nhìn, ngồi bên bếp lửa và thưởng thức món thắng cố dù khói từ cái chảo to nơi góc chợ hun tưởng nhèm mắt. Thích thú ngó những cặp vợ chồng người dân tộc xuống chợ với đủ màu sắc áo, khăn. Thay bằng cưỡi ngựa, họ cưỡi trên những chiếc xe máy lấm bụi đường. Những nhà không xa lắm, họ vẫn chọn đi bộ, dắt theo đủ các vật nuôi: Lợn, gà, chó, bò… Những con lợn đen nhỏ nhắn xinh xinh được buộc bằng những dây vải cứ ngơ ngác giữa ồn ào và nhộn nhịp, những chú bé ôm một con gà, con chim xuống chợ chắc chỉ để dạo chơi. Dù đã pha tạp nhiều nét chợ của người Kinh nhưng đứng giữa sắc màu và âm thanh của đủ thứ văn hóa pha trộn theo không gian và thời gian vẫn thấy lạ lẫm và đáng mến, như bắt gặp cảm giác lần đầu theo mẹ đến chợ.
Nhưng Đồng Văn, niềm nhớ nhất chính là những giờ rong ruổi trên đèo Mã Pí Lèng, con đèo huyền thoại trong một sáng mà nhiệt độ xuống tới 2 độ C. Với những kẻ quanh năm ở đồng bằng, quả thật – cảm giác và cảm xúc không thể nói lên lời. Những uốn lượn quanh co, những vực sâu vách đá, những hun hút, chênh vênh, những mênh mông và run rẩy. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống lòng sông Nho Quế như dải lụa, bỗng nhiên muốn làm một chú đại bàng sải cánh trong gió bão để vượt giữa đôi bờ trong xanh ấy. Dù gió, dù mưa, dù rét lạnh vẫn hiên ngang và bền bỉ, như bao nước mắt, bao mồ hôi, công sức đã đổ xuống để dựng lên con đường mang tên Hạnh phúc. Hoa hồng vẫn nở dù rét cắt da, cắt thịt giống như đá ngàn đời dù ấm lạnh vẫn thủy chung mãi mãi ở chốn này.
Rời Đồng Văn, khi còn chưa được biết đến cái Tết của người Mông như dự định ban đầu - đồng bào giờ cũng ăn Tết như người Kinh. Và lạnh quá, đào, mận cũng chưa kịp nở hoa, chỉ thấy những hàng cây trơ cành bên những ngôi nhà tường đất. Nhưng đã mang theo về biết bao điều, trong đó ủ sẵn một nỗi nhớ vừa kịp nảy mầm khi xe còn chênh chao trên những cung đường ngược về thành phố.
Đồng Văn - nơi chào năm cũ đón năm mới.
Đến để nhận ra một điều, giống như cuộc sống này: Có đá, có gió, có mưa nhưng vẫn có hoa, than hồng và lửa đỏ. Ấm lạnh ở lòng mình. Đã chót yêu rồi, nơi địa đầu bỗng ở cạnh trái tim.
Để mùa Xuân về lại nhớ Đồng Văn Xuân ấy!
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202002/dong-van-nho-755173/