Đồng Văn phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị
BHG - Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, nông nghiệp huyện Đồng Văn đã có những điểm sáng. Từ đó xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Đồng Văn là địa phương không có nhiều thế mạnh phát triển nông nghiệp do quỹ đất ít, khí hậu khắc nghiệt… Khắc phục những hạn chế đó, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng để xây dựng thương hiệu, liên kết thành các chuỗi hàng hóa chất lượng cao. Với lợi thế có trên 1.120 ha cây hoa Bạc hà tại 16 xã, thị trấn, huyện đã duy trì 15.800 đàn ong; tổng sản lượng mật ong hàng năm ước đạt trên 50,8 nghìn lít, giá trị sản xuất ước đạt trên 25,4 tỷ đồng. Hiện, có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 3 nhóm sở thích và 705 hộ nuôi ong lấy mật; có 6 sản phẩm mật ong hoa Bạc hà được chứng nhận sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm bò Vàng, toàn huyện có 5 cơ sở tham gia sơ chế, chế biến thành các sản phẩm như thịt bò khô, thịt bò gác bếp; sản lượng sơ chế, chế biến hàng năm ước đạt 165 tấn. Ngoài ra, huyện tiếp tục rà soát và phát triển một số chuỗi liên kết: Sâm khoai, Tam giác mạch, cây lê. Trong đó, với diện tích 480 ha cây lê trên toàn huyện, diện tích cho thu hoạch 222,5 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 1.219,8 tấn, giá trị sản xuất ước đạt trên 15 tỷ đồng, huyện đã xây dựng được 7 mô hình thâm canh cây lê gắn với phát triển du lịch sinh thái. Một số sản phẩm từ hạt Tam giác mạch cũng đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP...
Phát triển các chuỗi giá trị liên kết đối với các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, huyện Đồng Văn duy trì thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nuôi ong mật do Hợp tác xã Hà An làm chủ, liên kết 30 hộ tại 2 xã Thài Phìn Tủng và Sà Phìn có quy mô 1.905 đàn với tổng kinh phí thực hiện trên 2,5 tỷ đồng. Năm 2024, tổng sản lượng mật sản xuất dưới hình thức liên kết đạt 6.500 lít, giá trị sản xuất ước đạt 2,6 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 80 - 86 triệu đồng. Huyện cũng triển khai 2 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, gồm: Dự án liên kết theo chuỗi giá trị nuôi bò sinh sản do Hợp tác xã Cát Lý chủ trì liên kết 55 hộ nông dân tại 2 xã Thài Phìn Tủng, Tả Lủng; quy mô chăn nuôi 131 con bò cái sinh sản. Dự án liên kết theo chuỗi giá trị lê do Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Phố Bảng, chủ trì liên kết 38 hộ nông dân tại 7 xã, thị trấn, quy mô thực hiện 25 ha. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào thực hiện chương trình, đến nay, trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và 1 cơ sở tham gia liên kết sản xuất chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Các sản phẩm tiêu biểu như: Mật ong hoa Bạc hà, ớt gió, vải lanh, đậu xị, bánh đá, chè xanh.
Bên cạnh việc duy trì chuỗi sản phẩm, huyện cũng chú trọng xây dựng chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản. Trong đó, phòng chuyên môn đã phối hợp đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Chè xanh Lũng Phìn”, “Sâm khoai Cao nguyên đá Đồng Văn”. Duy trì quản lý khai thác hiệu quả các sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể như: Quả lê Đồng Văn, bộ sản phẩm Tam giác mạch, bộ sản phẩm đậu xị, bộ sản phẩm thịt bò, bộ sản phẩm thổ cẩm, hoa hồng; chứng nhận vùng rau an toàn 39 ha/5 xã, thị trấn.
Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu khi nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát lại cơ chế, chính sách, thúc đẩy kinh tế hợp tác, hướng tới thực hiện tái cơ cấu và đổi mới toàn diện lĩnh vực nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo bền vững.