Đồng Văn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các làng văn hóa
BHG - Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Đồng Văn đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng tại các làng văn hóa du lịch để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận gồm: Thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là; thôn Ma Lé, xã Má Lé; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú và Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lán Xì A, xã Phố Cáo đã và đang được triển khai xây dựng từ năm 2024. Để tiếp tục duy trì, phát triển các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn tập trung chỉnh trang kết cấu hạ tầng du lịch, gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp để phát triển du lịch bền vững. Đến nay, các làng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, đảm bảo gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào; đồng thời tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

Thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là xây dựng các gian hàng theo kiến trúc truyền thống góp phần chỉnh trang không gian du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: My Ly
Thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là có 73 hộ với 393 khẩu, là địa bàn sinh sống lâu đời của dân tộc Mông. Nơi đây được biết đến với những giá trị về cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử với những nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương truyền thống. Từ khi có đề án xây dựng thôn thành làng văn hóa du lịch, nơi đây đã có nhiều sự thay đổi từ cảnh quan thiên nhiên và đời sống của đồng bào. Đường bê tông trải đến từng ngõ mỗi nhà, chuồng trại gia súc, gia cầm được di dời ra xa nơi ở… Hàng năm, làng đã đón tiếp và phục vụ lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan thực tế, trải nghiệm, học tập.
Vừa qua, thực hiện chủ trương của huyện Đồng Văn về việc áp dụng thiết kế gian hàng theo kiến trúc truyền thống, chỉnh trang tại khu vực Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng các gian hàng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào và xây dựng bờ rào đá dọc tuyến đường chính vào thôn tạo cảnh quan, điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan. Từ đó tạo điều kiện cho Nhân dân giới thiệu và buôn bán các sản phẩm thủ công, đặc sản địa phương, nâng cao thu nhập. Theo đó, dưới sự tham gia tích cực của người dân và các nhà hảo tâm, xã đã xây dựng được 32 gian hàng theo kiến trúc truyền thống, trong đó có 28 gian dọc Quốc lộ 4C với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Các gian hàng đều sử dụng vật liệu cột, xà gỗ sa mộc địa phương, đá, mái lợp ngói âm dương, mang đậm nét kiến trúc của người Mông, đảm bảo tính thẩm mỹ và bền vững. Các gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công như: Thổ cẩm, sản phẩm từ lanh, hàng thủ công mỹ nghệ, các món ăn đặc sản địa phương.

Lô Lô Chải thu hút du khách khi đến thăm quan du lịch. Ảnh: PV
Theo đồng chí Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là: Các gian hàng và bờ rào đá không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của thôn Lũng Cẩm Trên, tạo nên bộ mặt khang trang hơn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch cộng đồng bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân Lũng Cẩm Trên. Thời gian tới, xã sẽ triển khai xây dựng thêm các gian hàng, mở rộng hệ thống bờ rào đá để tạo cảnh quan đồng bộ, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời khuyến khích Nhân dân giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống trong đời sống hàng ngày.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 3 làng văn hóa cộng đồng đặc trưng của 3 dân tộc trên Cao nguyên đá là Mông, Lô Lô và Tày. Cơ sở hạ tầng tại các làng văn hóa đến nay đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa của du khách. Có thể thấy rõ, việc đầu tư vào các làng văn hóa là sự đầu tư bền vững, hiệu quả, vì vậy, huyện sẽ tiếp tục duy trì việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa trong xây dựng các công trình giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch tại địa phương.