Chuyên gia chỉ ra những điều cần làm và kiêng kỵ trong lễ Thanh minh
Lễ Thanh minh là dịp quan trọng để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Bên cạnh những việc nên làm để thể hiện sự tôn kính, cũng có những thứ cần kiêng kỵ để tránh phạm phải điều không may.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, lễ Thanh minh là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên, dọn dẹp phần mộ và tưởng nhớ người đã khuất.
Theo phong tục truyền thống, tết Thanh minh diễn ra vào tháng 3 âm lịch, năm nay bắt đầu từ những ngày đầu tháng 4 dương lịch, là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Những điều quan trọng cần phải làm trong lễ Thanh minh
1. Dọn dẹp, chăm sóc phần mộ
Một trong những việc quan trọng nhất trong lễ Thanh Minh là dọn dẹp, làm sạch phần mộ của tổ tiên. Gia đình cần nhổ cỏ dại, quét dọn đất cát xung quanh, sửa sang nếu có hư hỏng và thắp nhang để thể hiện lòng thành kính.
2. Cúng bái tổ tiên
Mâm cũng thường có hoa quả, bánh kẹo, rượu, nước và một số món ăn truyền thống tùy theo phong tục địa phương.
3. Viếng mộ và cầu nguyện
Gia đình sẽ đứng trước mộ tổ tiên để cầu nguyện, tưởng nhớ công lao và mong tổ tiên phù hộ cho con cháu bình an, mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.

Dọn dẹp, làm sạch phần mộ của tổ tiên là việc cần làm trong lễ Thanh minh. Ảnh minh họa.
4. Dạy cho con cháu về đạo hiếu lễ Thanh minh
Đây cũng là dịp để giáo dục con cháu về đạo hiếu, truyền thống gia đình và sự quan trọng của việc nhớ ơn tổ tiên. Việc cùng nhau dọn dẹp, cúng bái sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị của gia đình và lòng biết ơn.
5. Gặp gỡ, kết nối gia đình, bạn bè
Thanh minh không chỉ là ngày viếng mộ mà còn là cơ hội để gia đình sum họp, ôn lại kỷ niệm và gắn kết tình cảm. Đây cũng là dịp để con cháu gặp gỡ, giao lưu với họ hàng, giữ gìn truyền thống tốt đẹp.
Ngoài ra, theo phong tục xưa đây là cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, tham gia các lễ hội truyền thống tại địa phương.
6. Tham gia các hoạt động khác
Ngoài việc viếng mộ tổ tiên, nhiều gia đình còn dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện như giúp đỡ người già neo đơn, làm từ thiện tại chùa, thắp hương cho những phần mộ vô danh hay những phần mộ không ai chăm non, hoặc quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một cách để thể hiện lòng nhân ái và tinh thần hướng thiện.
7. Thực hiện các nghi lễ khác
Mỗi vùng miền sẽ có những phong tục riêng trong lễ Thanh minh. Một số nơi có thể tổ chức lễ tảo mộ tập trung, hoặc kết hợp với các nghi lễ khác như cúng đất đai, cầu siêu cho vong linh chưa siêu thoát…

Lễ Thanh Minh là dịp quan trọng để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Ảnh minh họa.
Những điều cần kiêng kỵ trong lễ Thanh minh
Bên cạnh những việc cần làm, lễ Thanh Minh cũng có một số điều kiêng kỵ cần lưu ý.
1. Không giẫm lên phần mộ người khác
Khi đi viếng mộ, cần tránh giẫm đạp lên mộ phần của người khác. Điều này không chỉ bất kính mà còn có thể mang lại điều không may.
2. Không nô đùa, vui cười quá mức
Nghĩa trang là nơi trang nghiêm, nên giữ thái độ thành kính, tránh cười đùa, nói chuyện quá lớn tiếng để không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của người đã khuất.
3. Không nên mang đồ cúng về nhà
Lễ vật cúng tổ tiên hoặc đặt tại phần mộ không nên mang về nhà, vì theo quan niệm dân gian, mang về có thể gây ảnh hưởng xấu.
4. Tránh đi Thanh minh một mình
Người yếu bóng vía, phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ, người có sức khỏe không tốt thì không nên đi Thanh minh một mình, vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
5. Không mặc đồ quá lòe loẹt
Khi đi viếng mộ, nên mặc trang phục trang nghiêm, giản dị, kín đáo, tránh mặc quần áo quá rực rỡ hoặc phản cảm.
6. Không nên đốt vàng mã
Nhiều người thường có thói quen đốt vàng mã rất nhiều trong dịp Thanh minh. Việc này có thể gây lãng phí, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không mang lại giá trị thực tế và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.