Đồng Văn tập trung phát triển đàn lợn

Nhằm cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện Đề án nửa triệu con đại gia súc; phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 37,6%; huyện Đồng Văn đã, đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển chăn nuôi có sự hỗ trợ của nhà nước. Từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang hướng gia trại, trang trại tập trung. Đồng thời, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát, phòng dịch tả lợn châu Phi tại những địa bàn đã xảy ra.

Cán bộ thú y huyện hướng dẫn người dân thôn Xóm Mới, thị trấn Đồng Văn cách tiêm phòng bệnh Tả lợn.

Cán bộ thú y huyện hướng dẫn người dân thôn Xóm Mới, thị trấn Đồng Văn cách tiêm phòng bệnh Tả lợn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành, cho biết: Ngay sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch tái đàn lợn bằng việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ lợn đực giống có chất lượng tốt cho các hộ chăn nuôi có điều kiện phát triển quy mô gia trại hoặc luân chuyển lợn đực giống trong thôn, hộ chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng điểm thụ tinh nhân tạo lợn giống bản địa tại thị trấn Đồng Văn, xã Sủng Trái. Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo Trạm thú y phối hợp với UBND các xã, thị trấn xác minh, thẩm định điều kiện chăn nuôi tái đàn lợn tại cơ sở hoặc hộ chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ con giống từ nơi khác về nuôi tái đàn, ưu tiên mua con giống tại địa phương như ở Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng, xã Sủng Trái, Thài Phìn Tủng; tại các chợ Lũng Phìn, Phố Cáo, Sà Phìn, Đồng Văn. Khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, qua đó, hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi, nâng cao thu nhập, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân trên địa bàn và hướng xuất bán ra ngoài huyện.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn, Nguyễn Thanh Tuân, khẳng định: “Để triển khai công tác tái đàn lợn, Phòng và các đơn vị chuyên môn đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tái đàn lợn và đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi thông qua việc tiêm vắc xin định kỳ, theo kế hoạch của UBND huyện; hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh theo lứa tuổi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn giống nhập về được lựa chọn kỹ, rõ nguồn gốc, bảo đảm sạch bệnh. Với đàn lợn nái, lợn đực giống không bị dịch bệnh sẽ được giữ lại và khuyến khích các hộ chăn nuôi sản xuất tạo nguồn con giống cho phát triển đàn tại chỗ, cung cấp cho các hộ trong huyện có nhu cầu.

Từ giải pháp, cách triển khai đồng bộ, từ đầu năm đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi lợn nái trên địa bàn huyện được nhân rộng với 578 hộ, 1.245 con lợn nái. Tiêu biểu có hộ ông Trương Văn Chính, thôn Chúng Trải, xã Phố Là nuôi 11 con; Sùng Mí Sử, thôn Sủng Trái B, xã Sủng Trái nuôi 9 con; Lầu Mí Pó, thôn Sủng Quả, xã Sủng Trái nuôi 9 con; Vừ Mí Sính, thôn Mua Xúa, xã Thài Phìn Tủng nuôi 10 con,… nâng tổng số đàn lợn trên địa bàn lên 26.995 con.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Dinh Chí Thành, cho biết thêm: Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 37,6% trong năm 2020, huyện tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để phát triển chăn nuôi, giao cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xác định chăn nuôi là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, coi đó là hướng đi giảm nghèo bền vững. Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn các chủ gia trại, người dân cách phòng, trị dịch bệnh cho vật nuôi; tổ chức, giám sát chặt chẽ và thực hiện triệt để tiêm vắc xin phòng dịch cho vật nuôi và vệ sinh thú y, phun khử trùng tiêu độc, làm sạch môi trường chăn nuôi.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/dong-van-tap-trung-phat-trien-dan-lon-761634/