Động vật hoang dã đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron
Hươu đuôi trắng trên đảo Staten, New York, là động vật hoang dã đầu tiên bị nhiễm biến chủng Omicron. Hiện tại, 15 tiểu bang của Mỹ phát hiện hươu nhiễm nCoV.
Theo New York Times, các phát hiện bổ sung thêm bằng chứng cho thấy hươu đuôi trắng rất dễ nhiễm virus. Kết quả này có thể gia tăng lo ngại hươu - loài vốn sinh sống rộng rãi trên khắp nước Mỹ và gần con người - có thể trở thành ổ chứa virus và là nguồn phát sinh biến chủng mới.
Một số nghiên cứu trước đó đã cho thấy nCoV lan rộng trên hươu ở Iowa cuối năm 2020 và vài vùng ở Ohio đầu năm 2021.
15 tiểu bang có hươu đuôi trắng nhiễm nCoV
Phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Mỹ Lyndsay Cole đã xác nhận 13 bang khác có hươu nhiễm nCoV: Arkansas, Illinois, Kansas, Maine, Massachusetts, Minnesota, New Jersey, New York, North Carolina, Oklahoma, Pennsylvania, Tennessee và Virginia. Những động vật này nhiễm các biến chủng khác của nCoV.
Nghiên cứu mới chưa được công bố trên tạp chí khoa học do nhóm chuyên gia tại Penn State, tổ chức phi lợi nhuận White Buffalo, Sở Công viên và Giải trí thành phố New York phối hợp thực hiện. Từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 1, các nhân viên hiện trường thu thập mẫu máu từ 131 con hươu và mẫu gạc mũi, amidan của các động vật khác.
Nhóm tác giả phát hiện gần 15% số hươu có kháng thể chống nCoV trong máu, cho thấy trước đó chúng đã nhiễm virus. Xét nghiệm rRT-PCR mẫu gạc từ 68 con hươu cho kết quả 7 con vật bị nhiễm nCoV, đặc biệt, ít nhất 5 mẫu nhiễm Omicron.
Các tác giả cảnh báo không nên đưa ra kết luận sâu hơn khi chỉ dựa trên một chú hươu. Họ không loại trừ khả năng nó phát triển kháng thể đó trong quá trình nCoV lây lan trong cộng đồng. Ngoài ra, chúng có thể bị tái nhiễm nhiều lần các biến chủng mới, làm tăng nguy cơ trở thành ổ chứa virus.
Nghiên cứu cho thấy hươu đuôi trắng lây nhiễm virus từ người, sau đó lan sang động vật khác. Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy chúng truyền nCoV ngược trở lại con người. Tuy nhiên, sự xuất hiện rộng rãi, lâu dài của virus ở hươu sẽ tạo cơ hội cho nCoV đột biến nhiều hơn, tăng khả năng phát sinh biến chủng mới có thể lây sang người hoặc động vật khác.
Nhà vi sinh vật học Vivek Kapur, Đại học Penn State, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Sự lây truyền virus ở hươu tạo cơ hội cho chúng thích nghi và tiến hóa. Có khả năng virus quay trở lại, ám ảnh chúng ta trong tương lai”.
Các chuyên gia cũng phát hiện một con hươu bị nhiễm biến chủng Omicron có lượng kháng thể cao với virus, cho thấy nó có thể bị nhiễm bệnh từ trước. Omicron từng được cảnh báo có thể né tránh một số biện pháp phòng thủ của hệ miễn dịch ở người. Nếu có nó biểu hiện tương tự trên hươu, các con vật nhiễm bệnh trước đó có nguy cơ cao tái mắc Covid-19. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu nhận định biến chủng Omicron lây lan ở quần thể hươu đuôi trắng không phải tin bất ngờ.
Ẩn số
Theo nhà vi sinh vật học Suresh Kuchipudi, Penn State, người đứng đầu nghiên cứu, đây có thể là chu kỳ vĩnh viễn không bao giờ kết thúc của loài hươu, virus sẽ liên tục “nhảy qua nhảy lại” giữa các cá thể động vật và chọn ra biến chủng mới.
Cơ chế con người lây lan virus cho hươu vẫn là ẩn số. Các nhà nghiên cứu lưu ý con người có thể lây truyền nCoV trực tiếp sang động vật khi cho hươu ăn bằng tay trong công viên, sân vườn hoặc gián tiếp qua nước thải, thùng rác bị ô nhiễm.
Tiến sĩ Mubareka nhấn mạnh cần giám sát chặt hươu trên đảo Staten để xác định biến chủng Omicron tiến hóa thế nào, liệu nó có lây sang các loài động vật hoang dã khác không và mức độ bệnh tật nó gây ra. Khi lây nhiễm các biến chủng trước đó, hươu không có triệu chứng mắc bệnh.
Nhóm tác giả cũng hy vọng sẽ thực hiện nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về kháng thể mà họ phát hiện được ở hươu trên đảo Staten. Mục đích là xác định phiên bản virus mà mỗi con bị nhiễm, mức độ kháng thể đó có thể bảo vệ chống lại biến chủng khác hay không. Chẳng hạn hươu nhiễm biến chủng Delta có thể bị tái nhiễm biến chủng này không, chống được Omicron không. Ngược lại, hươu nhiễm Omicron có được bảo vệ khỏi Delta không?
“Đây đều là những câu hỏi mở. Chúng ta hoàn toàn là người mới trong việc tìm kiếm ca nhiễm nCoV trong tự nhiên. Đó là lý do chúng ta phải giám sát nhiều hơn, thu thập mẫu nhiều hơn”, nhà sinh thái học Kurt Vandegrift, Penn State, thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia trấn an người dân New York không nên hoảng sợ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giữ khoảng cách an toàn với động vật hoang dã, không chỉ để phòng tránh lây nhiễm nCoV mà còn nhiều virus, bệnh truyền nhiễm khác.
Chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn hươu, nai trở thành ổ chứa virus là hạn chế sự lây lan của chúng ở người. Việc phát hiện biến chủng Omicron ở hươu “là lời nhắc nhở và kêu gọi hành động, rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc”.