Đông về nhớ gió… Đêm đông!
Nhắc đến cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, người nghe không thể nào quên hai nhạc phẩm Đêm đông và Bướm hoa, mặc dù ông còn rất nhiều ca khúc khác và cả khí nhạc. Nhưng riêng nhạc phẩm Đêm đông đã làm nên tên tuổi ông, điều này được chứng minh rằng, nghe Đêm đông người ta nhớ Nguyễn Văn Thương và nhắc Nguyễn Văn Thương người ta nhớ Đêm đông!
Đông về nhớ gió… Đêm đông
Ca từ Đêm đông được viết chung với Kim Minh. Ông cho biết Kim Minh là tên một người đàn ông đi bộ đội và đã từng theo học đàn ghi ta với ông, có thể gọi Kim Minh là học trò của ông.
Khi đất nước còn chia cắt, Đêm đông đã làm nên tên tuổi của ca sĩ Bạch Yến từ miền Nam Việt Nam cho đến… nước Pháp. Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, thì thời ra đời của Đêm đông và Sơn nữ ca (Trần Hoàn)… chỉ mới có các nhịp điệu Fox trot, Valse, Tango, Boston… mãi sau năm 1950 mới có Slow Rock, và Đêm đông mang giai điệu Tango từ lúc ban đầu. Chính ca sĩ Bạch Yến đã đổi Đêm đông từ Tango sang Slow Rock.
“… Sau bao nhiêu năm mới gặp được người ca sĩ rất tâm huyết với Đêm đông, bởi đầu tiên tôi muốn nói là cám ơn Bạch Yến rất nhiều về sự đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm của tôi. Và cũng đã từ lâu, sau khi nghe băng của Bạch Yến hát, tôi đã bỏ chữ “Tango” để thay vào đó là “Slow Rock. (Trích thư của NS Nguyễn Văn Thương gởi cho ngưởi viết bài này kể về việc lần đầu tiên ông gặp ca sĩ Bạch Yến tại Pháp năm 1982, sau khi đất nước thống nhất 1975).
Cảm động trước cuộc hội ngộ nơi xứ người giữa tác giả Đêm đông và ca sĩ, Bạch Yến đã viết tặng ông bài thơ trước lúc chia tay: “Chút quà tặng tác giả “Đêm đông”/ Ngưỡng mộ tài danh sưởi ấm lòng/ Hội ngộ Balê trong chốc lát/ Hàn huyên xứ Pháp nhớ non sông”.
Rất nhiều người nghe hầu như đã thuộc lòng Đêm đông, và nếu nói về thời tiết thì không phải mùa đông nào cũng có nhiều gió, nhưng đặc biệt trong Đêm đông lại có rất nhiều gió và chính gió đã làm nhạc phẩm Đêm đông bất hủ với thời gian, nếu chỉ đọc thôi, ta cũng thấy đó là những câu thơ viết về gió mà tưởng chừng như không có nhà thơ nào viết về gió hay hơn nữa: …Gió nghiêng chiều say/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió gieo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên…
Gió và… gió được “thổi” vào những nốt nhạc “móc đôi” tưởng chừng như không thể tách rời nhau, làm người nghe không thấy lạnh lẽo mà trái lại rất ấm lòng!
Khi một mùa hoa cúc họa mi bắt đầu cũng chính là thời điểm gió đông. Ảnh minh họa.
Nhạc phẩm Đêm đông “có một lời hai nữa”, không biết tác giả là ai, mà chính “lời hai” này đã làm “tan nát” Đêm đông, có lần trong những cuộc họp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã lên tiếng phản đối lời hai này. Hãy nghe lời hai: “…Đời như vô tình ta ngao ngán/ Non nước thê thảm mang cảnh tang thương/ Thân lãng du cô liêu chán chường/ Về đâu giữa trời đông đêm trường…”.
Vậy mà, có ca sĩ thuộc hàng “sao” hát lời hai này mà không biết… ngượng miệng! Chưa hết, trong Đêm đông có một câu làm cho Đêm đông trở thành tuyệt tác đó là: “…Đêm đông ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”, ca sĩ nổi tiếng lại hát: “Đêm đông ca nhi gối sương ôm sầu riêng bóng!”. Lúc còn sống, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nghe hát câu này, ông kêu trời không thấu!
Và nhạc lời hai hoặc nhạc “chế” nó có từ thời rất xa xưa từ sau năm 1940, thường thì rơi vào những bài hát nổi tiếng, nhiều người thuộc, điều này cũng dễ hiểu và… dễ thông cảm?
Chúng tôi, thế hệ sinh sau, xin trân trọng biết ơn những người nhạc sĩ tài hoa, thương tiếc ông ra đi cũng trong một ngày mùa đông. Đêm đông của thế kỷ trước lúc ông xa nhà để viết nên tuyệt tác này.
Trần Hữu Ngư
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/dong-ve-nho-gio%E2%80%A6-dem-dong-143292.html