Đông về nhớ mắm quẹt quê!

Trong làn mưa bụi giăng giăng khắp phố phường Đà Nẵng, từng đợt gió lạnh se sắt lùa về gợi cho tôi nỗi nhớ da diết về miền quê rơm rạ và đôi vai gầy guộc của bà mẹ nghèo thuở hàn vi.

Chảo mắm quẹt ngày đông giá làm tôi nhớ tuổi thơ chốn quê nhà.

Chảo mắm quẹt ngày đông giá làm tôi nhớ tuổi thơ chốn quê nhà.

Đã bao năm xa rồi những ngày xưa, tháng cũ, song mỗi độ mùa cây thay lá, mặt nước sông Hàn đỏ ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về, lòng tôi lại nao nao, bên tai văng vẳng tiếng rao quen thuộc, thân thương từ quá khứ vọng về: "Mắm cái Hội An đây". Tiếng rao của người bán mắm nhỏ dần và bóng dáng khuất hẳn dưới rặng tre xanh của làng quê ven bờ sông Thu Bồn cũng là lúc hũ mắm để sau chái bếp của mẹ tôi đầy trở lại. Cứ vào đầu mùa mưa lụt, bà bán mấy ang gạo để có tiền mua mắm nhiều hơn bởi cái chợ chiều vốn ọp ẹp, xiêu vẹo càng không có một bóng người vào những ngày trời trút nước dầm dề. Mắm cái là tên gọi chung của bà con xứ Quảng, được làm chủ yếu từ hai loài cá cơm, cá nục biển. Còn nhớ ngày ấy, các thùng thiếc mắm cá cơm, cá nục theo những chuyến ca-nô từ Cửa Đại, Hội An ngược dòng Thu Bồn để về vùng thượng lưu quê tôi. Ca-nô neo tại bến và những gánh mắm cùng với tiếng rao vang vọng trên con đường làng. Bữa cơm nhà tôi lúc nào cũng có chén mắm cái dằm ớt với rau quả quanh vườn. Mắm cái nguyên con nước đỏ sẫm, tỏa mùi thơm phưng phức làm cho nhà này cách nhà kia hàng chục mét cũng ngửi được hương vị mặn mòi của mắm. Hầu như ở vùng biển nào của xứ Quảng cũng làm mắm cái nhưng mẹ tôi nói rằng không đâu sánh bằng mắm cái Hội An. Mắm cái Hội An có hương vị thơm ngon mặn mà, đậm đà quyến rũ. Cứ tới bữa, mẹ giở lớp lá chuối đậy cái hũ rồi cầm đôi đũa gắp mắm cái ra để riêng, lấy chén chắt ít nước dằm vài trái ớt để chấm rau luộc. Có hôm mẹ chỉ cho con ăn chén mắm "sống", có bữa mẹ đem chén mắm bỏ vào nồi cơm vừa cạn nước chưng cho nóng, dọn ra dĩa, gắp từng tí. Lại có hôm mẹ chiên mắm cái với dầu phụng xèo xèo. Mắm cái ăn kiểu gì tôi cũng thấy ngon đến ghiền, bởi mắm "sống", mắm chưng, mắm chiên đều có mùi thơm rất khác nhau nên vị ngon của mắm cũng riêng biệt.

Để thay đổi cách ăn mắm cái, không ít lần mẹ múc mắm đổ vào cái am đất, giã nhuyễn tiêu, ớt cho vào khuấy đều rồi đặt am lên bếp. Để cho mắm sôi sền sệt bà mới tắt lửa cho mắm khô, quánh lại. Bà bảo đây là am mắm quẹt không chỉ "hao" mắm mà còn làm "tốn" cơm gấp đôi. Am đất mắm quẹt để giữa mâm, anh em tôi cứ thò đũa vô "quẹt" từng tí. Có lẽ do cách ăn này mà người Quảng đặt tên mắm quẹt. Cứ đưa đũa "quẹt" là một miếng cơm được lùa vào miệng. Vị mặn, cay và mùi thơm của mắm quẹt sao mà ngon đến lạ. Đã mấy chục năm xa quê và mỗi lần về lại đều trong gấp gáp, vội vã và mẹ giờ đã chậm chạp, già yếu nên không được ăn mắm quẹt của bà như lúc trước. Cứ mỗi lần bước vào sân nhà mẹ, tôi cảm nhận mùi thơm của mắm quẹt như đang còn vương vấn, quẩn quanh trong vườn của ngày nào.

Bây giờ trên mâm cơm của gia đình tuy có đủ đầy hơn nhưng mỗi khi bấc giá se lòng, tôi chợt nhớ tới am mắm quẹt bình dị của mẹ ở chốn quê nhà thuở nghèo khó. Tôi lại múc chén mắm cái đổ vào chảo nhỏ đặt lên bếp, thế là món mắm quẹt có ngay sau ít phút, nhưng tôi biết một điều chắc chắn sẽ không ngon bằng am mắm quẹt ở quê ngày trước bởi trong đó không có hơi ấm từ tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ tảo tần, một nắng, hai sương!

Tạp bút: Thái Mỹ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dong-ve-nho-mam-quet-que-post306498.html