Dòng vốn Agribank tiếp sức cho kinh tế nông hộ phát triển bền vững

Từ những khoản vay nhỏ ban đầu, nguồn vốn tín dụng ổn định và kịp thời từ Agribank đã trở thành người bạn đồng hành, giúp nhiều nông hộ mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị và phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều nông hộ nhờ mạnh dạn tiếp cận các chương trình ưu đãi của Agribank đã linh hoạt sử dụng vốn hiệu quả, lan tỏa đến nhiều nông hộ khác, cùng đưa dòng vốn vào tái cơ cấu nông nghiệp và cùng làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Hơn 20 năm trước, vợ chồng ông Dương Thái Hoàng (ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm, TP Cần Thơ) bắt đầu lập nghiệp với 2.000m2 đất trồng lúa. Sau mỗi vụ, vốn liếng thu được vừa đủ gom góp để đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho vụ sau. Với mong muốn đầu tư mở rộng diện tích canh tác, mua máy móc phục vụ mở rộng sản xuất, ông Hoàng đã chủ động tìm hiểu các chương trình tín dụng ưu đãi từ Agribank. Ban đầu chỉ là những khoản vay nhỏ, nhưng nhờ kinh doanh hiệu quả và có của ăn của để sau mỗi vụ, ông đã tự tin vay thêm những khoản lớn hơn.

Ông Dương Thái Hoàng (bìa phải) cùng cán bộ Agribank tham quan vườn trái cây của gia đình.

Ông Dương Thái Hoàng (bìa phải) cùng cán bộ Agribank tham quan vườn trái cây của gia đình.

Chia sẻ về hành trình mở rộng quy mô sản xuất nhờ sự đồng hành từ nguồn vốn của Agribank, ông Dương Thái Hoàng cho biết: “Tôi gắn bó với Agribank từ năm 2005. Ban đầu, tôi vay vốn để sản xuất lúa giống, rồi dần dà chuyển qua làm vườn, buôn bán vật tư nông nghiệp. Làm ăn có dư lại đầu tư tiếp, thiếu vốn lưu động lại vay thêm từ ngân hàng. Nhờ vậy mà từ 2.000m2 đất ban đầu, đến nay tôi đã mở rộng lên 20ha đất trồng lúa, 1ha vườn cây ăn trái, có cả máy sấy, máy tách hạt…”.

Ngoài sản xuất lúa thương phẩm, ông Hoàng kết hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để tham gia trồng khảo nghiệm giống lúa, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống. Trung bình mỗi vụ, ông cung ứng khoảng 200 tấn lúa giống cho bà con trong vùng.

Cán bộ Agribank tham quan mô hình trồng mận hồng Sân Tiên của ông Trần Văn Phục (bìa trái) ở xã Cù Lao Dung, TP Cần Thơ.

Cán bộ Agribank tham quan mô hình trồng mận hồng Sân Tiên của ông Trần Văn Phục (bìa trái) ở xã Cù Lao Dung, TP Cần Thơ.

Theo ông Hoàng, canh tác lúa giống đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, đầu tư bài bản và cho lợi nhuận cao hơn lúa thương phẩm. Nhờ có sự hỗ trợ vốn kịp thời từ Agribank nên ông mới yên tâm đầu tư mở rộng diện tích canh tác lúa giống. “Tôi vừa sản xuất và cung ứng lúa giống vừa kinh doanh vật tư nên thường cho nông dân mua chịu mỗi đầu vụ, đến cuối vụ mới thu tiền. Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Agribank, tôi vừa có vốn đầu tư xoay vòng, vừa hỗ trợ lại cho bà con”, ông Hoàng chia sẻ.

Hiện ông Hoàng đang được Agribank Chi nhánh Thuận Hòa Sóc Trăng cấp hạn mức vay 4 tỉ đồng, với lãi suất ưu đãi cho nông nghiệp. Nguồn vốn này giúp ông không chỉ duy trì sản xuất mà còn tiếp tục đầu tư 2 lò sấy điện công suất 10 tấn, hệ thống tách hạt hiện đại… Trung bình mỗi năm, lợi nhuận từ vườn cây ăn trái của gia đình ông Hoàng khoảng 240 triệu đồng, lợi nhuận từ việc kinh doanh lúa giống cũng trên 1,6 tỉ đồng.

Cán bộ Agribank tham quan lò sấy lúa của ông Dương Thái Hoàng.

Cán bộ Agribank tham quan lò sấy lúa của ông Dương Thái Hoàng.

Lý giải về lựa chọn gắn bó với Agribank qua nhiều năm, ông Hoàng chia sẻ: “Khi vay vốn ngân hàng, không chỉ nhờ vào lãi suất thấp là đủ. Có những thời điểm tôi cần nâng hạn mức, Chi nhánh giải quyết rất nhanh chóng. Tôi thường bán chịu vật tư nông nghiệp cho bà con, sau 4 đến 6 tháng mới thu tiền, nếu không có ngân hàng hỗ trợ sẽ không thể gồng gánh được trong thời gian dài”.

Theo ông Nguyễn Văn Đắc, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Lao Dung, TP Cần Thơ, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chủ lực là trồng mía, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế hộ gia đình, Agribank Chi nhánh Cù Lao Dung Sóc Trăng đã hỗ trợ rất kịp thời về nguồn vốn cho nông hộ, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã… Nhờ nguồn vốn tín dụng này, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã đạt nhiều kết quả khả quan”.

Agribank luôn duy trì tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò ngân hàng chủ lực cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển “Tam nông”.

Agribank luôn duy trì tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò ngân hàng chủ lực cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển “Tam nông”.

Từ năm 2021 đến nay, Agribank Chi nhánh Cù Lao Dung Sóc Trăng đã giải ngân bình quân trên 100 tỷ đồng/năm, với tổng dư nợ hiện tại trên 900 tỷ đồng. Theo ông Mai Văn Thanh, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cù Lao Dung Sóc Trăng, tỷ trọng cho vay lĩnh vực “tam nông” của đơn vị luôn chiếm khoảng 99% trên tổng dư nợ, với nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ. Không chỉ cung cấp tín dụng, Chi nhánh còn tham gia các hoạt động an sinh như xây nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa trường học, làm đường giao thông nông thôn…

Tính đến tháng 7/2025, tổng dư nợ cho vay các Chi nhánh Agribank tại ĐBSCL đạt trên 286.000 tỷ đồng, với tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 81%. Riêng Agribank Chi nhánh Sóc Trăng đạt tổng dư nợ hơn 16.000 tỉ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 75%. Đây là con số cho thấy sự cam kết lâu dài của Agribank trong sứ mệnh đồng hành phát triển “tam nông” tại ĐBSCL.

Có thể thấy, nguồn vốn ưu đãi từ Agribank không chỉ được giải ngân kịp thời mà còn trở thành động lực cốt lõi giúp người dân xoay vòng vốn, mở rộng sản xuất và nâng cao giá trị nông sản. Sự tin tưởng, gắn bó của những khách hàng lâu năm cùng tổng dư nợ tập trung chủ yếu vào cho vay nông nghiệp, nông thôn cho thấy dòng vốn tín dụng đi đúng hướng và phát huy hiệu quả tích cực. Điều này khẳng định Agribank không chỉ là một tổ chức tài chính, mà còn là một đối tác tin cậy, không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long.

Trải qua 37 năm hình thành và phát triển, Agribank luôn duy trì tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò ngân hàng chủ lực cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển “Tam nông” với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đạt khoảng 65% trên tổng dư nợ. Riêng tại khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lên tới 82% tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay lúa gạo của các Chi nhánh Agribank trong khu vực được phân bổ cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cụ thể, dư nợ cho vay trồng lúa đạt 4.035 tỉ đồng; cho vay sản xuất, chế biến lúa gạo đạt 6.610 tỷ đồng; cho vay bán buôn, bán lẻ lúa gạo nội địa đạt 28.751 tỷ đồng và cho vay xuất khẩu lúa gạo đạt 1.104 tỷ đồng…

Minh Khương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/dong-von-agribank-tiep-suc-cho-kinh-te-nong-ho-phat-trien-ben-vung-i775620/